03 luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng được Quốc hội Khóa XIV đã thông qua

94
Đánh giá bài viết

Quốc hội khóa XIV Kỳ họp thứ 8 thông qua 03 luật do Bộ Công an chủ trì xây dựng liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân được , gồm: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Cổng thông tin điện tử Quảng Bình xin trân trọng giới thiệu những nội dung cơ bản của 03 luật như sau:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018).

* Bố cục: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 02 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 02 điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đó là: Khoản 2, khoản 6 Điều 3 (về giải thích từ ngữ), khoản 2 Điều 73 (về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ); Điều 2 của Luật này quy định về hiệu lực thi hành của Luật.

* Nội dung cơ bản:

– Nội dung của Điều 1:

+ Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm vũ khí quân dụng. Theo đó, khoản 1 Điều này đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 (giải thích từ ngữ) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như sau:

2. Vũ khí quân dụng, bao gồm:

a) Vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

Súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

Vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

Vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại điểm này.

b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 Luật này để thi hành công vụ.”.

+ Khoản 2 Điều này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 3 (giải thích từ ngữ) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như sau:

“6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.”.

+ Khoản 3 Điều này đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ như sau:

“2. Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Luật này.”.

– Nội dung của Điều 2:

Điều 2 của Luật này quy định về thời điểm Luật có hiệu lực thi hành; theo đó, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2020.

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020).

* Bố cục: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 gồm 02 điều: Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47, trong đó, sửa đổi 17 điều, bổ sung 03 điều. Điều 2. Hiệu lực thi hành.

* Nội dung cơ bản:

– Bổ sung quy định cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài và trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử.

– Quy định 04 trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực.

– Sửa đổi điều kiện nhập cảnh, xuất cảnh.

– Quy định các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú.

– Miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển.

– Sửa đổi, bổ sung quy định về ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho người nước ngoài.

– Quy định việc cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu.

– Một số nội dung sửa đổi, bổ sung khác.

3. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020).

* Bố cục: Luật gồm 8 chương, 52 điều, cụ thể: Chương I. Quy định chung, gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam; Chương II. Giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 2 điều (Điều 6, Điều 7) quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh; thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh; Chương III. Cấp, chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh gồm 5 mục; Chương IV. Quản lý, sử dụng, thu hồi, hủy, khôi phục giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 2 mục; Chương V. Xuất cảnh, nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, gồm 7 điều (từ Điều 33 đến Điều 39); Chương VI. Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, gồm 4 điều (từ Điều 40 đến Điều 43); Chương VII. Trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, gồm 7 điều (từ Điều 44 đến Điều 50); Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 51, Điều 52) quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

* Nội dung cơ bản:

– Quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân.

– Quy định về cấp hộ chiếu phổ thông.

– Về giấy tờ xuất nhập cảnh.

– Về thu hồi, hủy, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu.

– Về tạm hoãn xuất cảnh.

– Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Tiêu Dao