Thời gian qua, cơ quan Công an liên tục nhận được đơn tố cáo của người dân về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan việc đưa người đi nước ngoài lao động. Vấn đề này đã được các lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, nhất là những vùng nông thôn, người dân vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.
Các đối tượng lợi dụng tâm lý muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài với chi phí xuất cảnh thấp, thu nhập cao và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân để lừa đảo. Một số đối tượng còn dựa vào việc đã từng đi xuất khẩu lao động, đưa ra thông tin giả, gây dựng lòng tin rằng bản thân có thể đưa người dân đi lao động tại nước ngoài với thủ tục nhanh, chi phí thấp và công việc hấp dẫn, lương cao nhằm thu hút người dân, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Vì thế, khi có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài, người dân cần nghiên cứu kỹ thị trường lao động và liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động để được tư vấn, hướng dẫn; cần kiểm tra, tìm hiểu rõ các thông tin của đơn vị cung cấp lao động thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động; cảnh giác trước các lời chào mời “việc nhẹ, lương cao”.
Trực tiếp liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương (như UBND phường, xã; phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh) hoặc đến trụ sở, chi nhánh của các Công ty đã được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động để tư vấn theo nhu cầu. Tuyệt đối không tin tưởng vào các thông tin mời chào, hứa hẹn việc làm trên các website, trang facebook, zalo không chính thống, không liên hệ, giao dịch với các tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động xuất khẩu lao động. Đồng thời, bản thân người lao động phải chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức trước các thủ đoạn, hành vi giả mạo của các đối tượng, kịp thời tố cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện vụ việc.
PV01