Cảnh giác với chiêu trò làm hộ chiếu trực tuyến qua mạng

29
Đánh giá bài viết

Lợi dụng việc Bộ Công an triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu phổ thông trực tuyến, một số đối tượng đã mở dịch vụ làm hộ chiếu online để trục lợi với chi phí cao gấp nhiều lần mức lệ phí do Nhà nước quy định. Công dân không chỉ mất tiền mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị đánh cắp, mua bán, lộ lọt thông tin cá nhân; các đối tượng xấu dễ dàng sử dụng thông tin cá nhân của công dân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Việc triển khai cấp hộ chiếu trực tuyến đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân, giúp công dân dễ dàng chủ động nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet mà không phải đến trực tiếp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, lợi dụng sự hạn chế, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân nhất là những người không am hiểu về công nghệ thông tin, chưa thông thạo cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, các đối tượng lừa đảo “dịch vụ”, “cò” đã đăng tải các bài viết “nhận làm hộ” hộ chiếu cho công dân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để thu tiền bất chính. Các đối tượng đăng tải những lời chào mời hấp dẫn như: “không cần phải đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi”, “dịch vụ làm hộ chiếu nhanh, chi phí thấp”… để thu hút một số người dân nhẹ dạ cả tin đăng ký.

Theo đó, chi phí công dân phải trả cho các đối tượng này cao rất nhiều lần so với lệ phí theo quy định của nhà nước. Các đối tượng “dịch vụ”, “cò” còn hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi khi chúng có thể thao tác nộp hồ sơ trực tuyến cho người dân đăng ký làm hộ chiếu. Song, khi ghi vào tờ khai cấp hộ chiếu, lại không sử dụng số điện thoại của người dân mà ghi số điện thoại của đối tượng hoặc ghi sai địa chỉ thường trú… Để khi cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân lúc cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ thì thông qua số điện thoại các đối tượng tự xưng là công dân nắm bắt các nội dung cần phải bổ sung hồ sơ, “tô vẽ” khó khăn để tiếp tục thu lợi bất chính. Điều này khiến người dân vừa “tiền mất” vừa “tật mang” vì không có hộ chiếu.

Đặc biệt, một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp thông tin cá nhân của công dân như ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú và mã OTP… của công dân. Từ đó, các đối tượng này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng như: đăng kí mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng (app) trực tuyến hoặc đánh cắp, hack các tài khoản mà công dân đang sử dụng như Facebook, Zalo, VNeID… Sau đó, dùng các tài khoản này để thực hiện việc lừa đảo vay tiền trên các trang mạng người dân, bạn bè của nạn nhân.

Cơ quan chức năng khuyến cáo: người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin cá nhân của mình như căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng… cho các đối tượng trung gian, đặc biệt là các đối tượng đang quảng cáo làm “dịch vụ” cấp hộ chiếu trực tuyến, tránh nguy cơ bị lộ, lọt, đánh cắp thông tin để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi trái pháp luật.

Để đảm bảo an toàn và pháp lý, người dân nên tuân thủ quy trình làm hộ chiếu theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu làm trực tuyến thì thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công theo trình tự hướng dẫn. Điều này giúp tránh được những rủi ro không đáng có mà các “dịch vụ” làm hộ chiếu trên mạng xã hội có thể mang lại.

Hiện, cách thức thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến để cấp hộ chiếu rất thuận tiện, dễ dàng và đã được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, trang thông tin của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Ngọc Hoàng