Đưa Luật Căn cước đi vào cuộc sống

106
Đánh giá bài viết
Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây là bước đột phá mới về chuyển đổi số, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Sau ngày luật có hiệu lực, lực lượng Công an tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai Luật Căn cước đúng tiến độ, thống nhất, chất lượng, thiết thực, hiệu quả.  
Sau thời gian triển khai thực hiện, những công dân đầu tiên trên địa bàn tỉnh được nhận thẻ căn cước mới thực hiện theo Luật Căn cước chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đặc biệt, những công dân dưới 6 tuổi cũng đã được nhận chiếc thẻ căn cước của riêng mình.
Để kịp thời các điều kiện triển khai luật, trước đó, lực lượng Công an tỉnh đã chuẩn bị bảo đảm các điều kiện về pháp lý, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Thượng tá Hà Đức Cường, Phó trưởng Công an TP. Đồng Hới cho biết: “Luật Căn cước có nhiều điểm mới và trực tiếp mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là trong việc làm căn cước, xác thực định danh cá nhân, phục vụ cho việc xây dựng xã hội số, con người số trong giai đoạn hiện nay. Từ những lợi ích mang lại cho người dân trong việc thực hiện Luật Căn cước và việc cấp, cấp đổi căn cước, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay, đa số người dân đồng tình, ủng hộ việc triển khai Luật Căn cước và cấp căn cước mới của Nhà nước đang triển khai hiện nay”.
Những công dân đầu tiên nhận thẻ căn cước theo Luật Căn cước mới.
Để luật sớm đi vào cuộc sống, Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, tập trung tuyên truyền về 10 điểm mới của Luật Căn cước, tính ưu việt, hiệu quả của thẻ căn cước mang lại đến các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh từng bước hoàn thiện việc cài đặt phần mềm tiếp nhận thiết bị thu nhận mống mắt để thực hiện thu nhận theo quy định của Luật Căn cước. Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).
Thượng tá Nguyễn Đình Nghiệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Luật Căn cước mới ra đời có nhiều nội dung mới để phục vụ tốt hơn cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Luật Căn cước đã mở rộng đối tượng được cấp căn cước cho mọi lứa tuổi, đối với trẻ em từ 0 tuổi đến dưới 14 tuổi và người trên 14 tuổi. Đặc biệt, Luật Căn cước cũng đã xác định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch…
Sau hơn 1 tháng triển khai Luật Căn cước, đến nay, Công an tỉnh đã thu nhận hơn 6.000 hồ sơ cấp mới thẻ căn cước. Đặc biệt, có hơn 450 hồ sơ cấp căn cước cho người từ 6-14 tuổi và hơn 130 hồ sơ cho người dưới 6 tuổi. Có thể nói, việc Luật Căn cước đi vào cuộc sống là một trong những yếu tố góp phần bảo đảm quyền công dân, quyền con người, mọi công dân đều được cấp căn cước, xác định danh tính của từng cá nhân, phục vụ cho việc xây dựng xã hội số, công dân số, chính phủ số; tạo bước đột phá quan trọng của công tác chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn.
Ngô Quang Văn