“Kết nối thông tin an ninh trật tự vùng biên”

68
Đánh giá bài viết

Xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) có đường biên giới dài gần 30km, giáp nước bạn Lào. Đây là xã xa nhất của huyện Lệ Thủy với hơn 90% dân số là người dân tộc Bru-Vân Kiều. Do địa bàn biên giới, nên các bản ở cách xa nhau. Có bản đi bộ cả ngày đường mới đến khiến việc kết nối thông tin giữa Công an xã Lâm Thủy với người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế này, Công an xã đã xây dựng mô hình “Kết nối thông tin an ninh trật tự (ANTT) vùng biên”.

Nếu như trước đây, mỗi khi trong bản xảy ra những chuyện không vui, già làng Hoàng Tuông ở bản Xà Khía, xã Lâm Thủy thường tổ chức các cuộc họp để hòa giải mâu thuẫn, hoặc là khuyên nhủ những người lầm đường lạc lối, chứ ít khi nhờ đến lực lượng chức năng hỗ trợ giải quyết. Lý do một phần bởi trụ sở Công an ở xa, phần nữa là già làng và nhiều người dân không biết phải liên lạc với ai, bằng cách nào.
Bây giờ, những thông tin kết nối, cụ thể là các số điện thoại của trực ban Công an huyện Lệ Thủy, số điện thoại di động Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, Trưởng Công an xã Lâm Thủy được lực lượng Công an xã đến tận nhà để cung cấp cho người dân. Với các số điện thoại được dán lên tường nhà, khi cần đến có thể gọi, già làng Hoàng Tuông cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Già làng Hoàng Tuông hồ hởi: “Từ lúc Công an chính quy lên đây, 2-3 năm nay rồi. Tình hình mất ANTT, an toàn giao thông giảm hẳn. Các đồng chí đi tuần tra cả đêm, đi thường xuyên, dân bản rất yên tâm, rất vui”.
Mô hình “Kết nối thông tin an ninh trật tự vùng biên” đã thực sự phát huy hiệu quả.
Khi được điều về đảm nhiệm các chức danh Công an xã, trung tá Nguyễn Văn Vũ, Công an xã Lâm Thủy, cũng như các đồng đội trăn trở nhiều vấn đề, giải pháp để bảo đảm ANTT vùng biên giới sao cho có hiệu quả. Lâm Thủy có địa bàn các bản cách xa nhau, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, vì vậy việc nắm bắt thông tin và sự chung tay ủng hộ của bà con dân bản để kịp thời giải quyết các vụ việc là một thách thức.
Chính vì thế, anh và đồng đội cũng đã nghĩ ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất kết nối thông tin liên lạc vùng biên giữa Công an xã và người dân. Ngay khi cấp ủy chính quyền địa phương, lãnh đạo Công an huyện đồng ý chủ trương cho Công an xã in ấn các tờ rơi có các đường dây thông tin liên lạc, Công an xã Lâm Thủy đã khẩn trương triển khai, qua đó, tạo điều kiện cho bà con khi có những vụ việc xảy ra sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin. Đó là nguồn thông tin gần nhất, nhanh nhất để lực lượng Công an có mặt kịp thời giải quyết các vấn đề ANTT.
Nhờ việc bám nắm địa bàn ngay từ những ngày đầu, đặc biệt là biết dựa vào uy tín của những già làng trưởng bản, nên việc khó đã thành dễ. Mô hình “Kết nối thông tin ANTT vùng biên” được Công an xã Lâm Thủy triển khai từ 2 năm qua ở khắp 6 bản vùng sâu vùng xa của xã. Từ khi có mô hình này, tình hình ANTT, an toàn xã hội đã thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tốt hơn.
Trung tá Võ Doãn Linh, Trưởng Công an xã Lâm Thủy cho biết: “Rất đơn giản thôi, mình để lại số điện thoại, bà con có thông tin gì, cần việc gì là gọi Công an ngay. Chỉ cần những đối tượng xấu vào nhà, nhìn thấy bảng thông tin đó là bỏ đi rồi. Vợ chồng hục hặc, nhìn thấy bảng đó nên cũng thôi. Mô hình đã được bà con đánh giá cao, Đảng ủy, UBND xã ghi nhận, nhìn thấy bảng hiệu đó, bà con yên tâm hơn”.
Sau thời gian triển khai lực lượng Công an chính quy về xã, bằng sự nỗ lực trong nghiệp vụ, cùng với sự chân thành và tận tụy, lực lượng Công an xã đã nhận được nhiều sự quý trọng của người dân, sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Người Bru-Vân Kiều ở xã Lâm Thủy xem những chiến sĩ Công an xã như những người con của bản. Với những mô hình bảo vệ ANTT đơn giản nhưng hiệu quả, cùng với cách tuyên truyền gần gũi, các chiến sĩ Công an xã Lâm Thủy không chỉ khiến người dân cảm thấy dễ gần mà còn giúp cho chính quyền yên tâm trong việc giữ gìn ANTT vùng biên giới.
Ngô Quang Văn