Người Anh hùng duy nhất của lực lượng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Quảng Bình

287
5/5

Một ngày đầu tháng Tư, đất trời Lệ Thuỷ đẹp dịu dàng như một bức tranh thủy mặc, dòng Kiến Giang xanh mát, quanh co ôm trọn lấy làng Tân Thịnh, xã Tân Thủy. Nắng vàng tỏa mênh mông, những cơn gió mang làn hương dịu nhẹ và tinh khiết của hoa tường vi thoang thoảng trong không gian an lành. Thượng tá, anh hùng Nguyễn Xuân Giang lặng lẽ nhìn những bông hoa mảnh, đang tận hiến hết mình cho đất trời, ông nhớ về một thời trai trẻ…

Thượng tá, AHLLVTND Nguyễn Xuân Giang, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Quảng Bình

Thời gian dẫu có như “bóng câu qua cửa sổ” thì với những người đã đi qua một thời trận mạc, ký ức về những năm tháng cùng đồng đội dấn thân trên con đường phụng sự đất nước, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân là thứ không dễ lãng quên.

Trải qua nhiều vị trí công tác, Thượng tá Nguyễn Xuân Giang nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh Bình Trị Thiên, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ (nay là Phòng Cảnh sát cơ động), Công an tỉnh Quảng Bình. Ông là anh hùng duy nhất của lực lượng Cảnh sát cơ động Quảng Bình, đã trực tiếp tham gia chỉ đạo hàng trăm vụ án, trấn áp hàng trăm vụ bạo động, mỗi vụ việc đều để lại dấu ấn riêng trong tâm khảm của ông. Với sự chảy trôi của thời gian, có thể có người còn nhớ, cũng có người đã quên. Riêng ông, mỗi khi nhớ đến ký ức ấy vẫn dấy lên niềm tự hào của người chiến sĩ Cảnh sát cơ động dũng cảm, anh hùng…

Năm 1976, trên địa bàn huyện Bố Trạch của tỉnh Bình Trị Thiên cũ xảy ra vụ bạo động ngay tại trụ sở Công an huyện. Đám đông quá khích đập phá nhà cửa, máy móc, đốt giấy tờ, sổ sách, tài liệu của Công an. Vào thời điểm đó, Bố Trạch được Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an xếp vào địa bàn “nóng” về an ninh chính trị lẫn trật tự an toàn xã hội, vụ bạo động gây rúng động cả một vùng…

Thượng tá Nguyễn Xuân Giang, lúc đó là Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh Bình Trị Thiên, đơn vị có quân số lên đến hơn 500 chiến sĩ, chia làm nhiều tiểu đoàn, đóng quân trên khắp các huyện. Từ tiểu đoàn đặc nhiệm Vĩnh Linh, ngay khi nghe báo về vụ bạo động, ông đã chỉ huy hàng trăm chiến sĩ Cảnh sát cơ động tức tốc hành quân về Bố Trạch để thực hiện nhiệm vụ.

Ngay khi đến Bố Trạch, “tướng quân tại ngoại” Nguyễn Xuân Giang chỉ đạo triển khai lực lượng lập tức trấn áp bạo động. Đám đông cuồng nộ như mất đi lý trí, lao vào đập phá, chửi bới bị các chiến sĩ Cảnh sát cơ động dùng lá chắn, dùi cui bao vây, trấn áp trong phút chốc. Từng toán đối tượng bị chia nhỏ, đẩy lùi ra xa. Cảnh sát đặc nhiệm dần thu hẹp vòng vây, lần lượt các đối tượng buông bỏ gậy gộc, cuốc xẻng giơ tay xin hàng… Các đối tượng cộm cán lập tức bị bóc tách, người dân nhẹ dạ cả tin bị xúi giục, kích động được anh em chiến sĩ tiểu đoàn Vĩnh Linh đưa về tận thôn làng, hứa sẽ không bao giờ nghe theo kẻ xấu. Từ Huế, đồng chí Bảy Khiêm, nguyên Chỉ huy an ninh Trị – Thiên – Huế, Giám đốc Công an Bình Trị Thiên cất lời khen ngợi: “Hay! Hay lắm! Đánh rứa mới là đánh!”…

Hay như vụ trấn áp các đối tượng trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1987 ở Kim Lũ, Tuyên Hoá. Vốn là địa bàn vùng đồi núi, hàng năm có hàng trăm chuyến tàu vận tải hàng hoá của nhà nước đưa nhu yếu phẩm, thuốc men, vật tư thông thương giữa hai miền đất nước. Điểm chung của tất cả đó là, khi đi qua Kim Lũ đều phải mất hàng giờ đồng hồ để leo dốc vào ga, tốc độ đôi khi chỉ như người đi bộ. Các đối tượng vốn là công nhân cung đường Kim Lũ, lợi dụng sơ hở đó để cạy cửa khoang tàu, lấy đi nhiều tài sản, hàng hoá. Ông Bảy Khiêm nhận định đây là vụ việc rất phức tạp, các đối tượng là công nhân cung đường rất manh động, có nhiều gậy gộc, công cụ để chống trả, nhất thiết phải có sự vào cuộc của Cảnh sát cơ động.

Vào một ngày cuối hè năm 1987, một chuyến tàu chở hàng leo dốc vào ga Kim Lũ như thường nhật. Nhưng chuyến tàu hôm đó trông như nặng nề hơn thường, phải chăng vì tải nhiều hàng hoá! Từ nơi cây cối rậm rạp, heo hút nhất của con dốc, công nhân cung đường âm thầm đi theo đường ray, cạy mở khoá khoang tàu, toan lấy đi nhiều xoong nồi, thuốc men… Trong đống hàng hoá chất cao như núi, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Xuân Giang, các chiến sĩ cảnh sát cơ động, người lá chắn dùi cui, người tay không lao ra, đạp ngã các đối tượng lăn sóng soài xuống đất, lần lượt từng tên, từng tên bị khoá tay giải ra ngoài. Kết thúc chuyên án lớn nhất trong lịch sử huyện Tuyên Minh từ sau ngày đất nước thống nhất.

Khi nói về tố chất mạnh mẽ, quyết liệt, dũng cảm của Nguyễn Xuân Giang, ông Bảy Khiêm, người chỉ huy dìu dắt, chỉ bảo, cùng chiến đấu với ông từ thuở trai trẻ lại nói: Không ai sinh ra đã là anh hùng!…

Ít người biết rằng, tuổi thơ của người anh hùng Nguyễn Xuân Giang gắn với những tháng năm cùng cha trồng khoai, trồng sắn trên đồi núi. Hằng ngày, ông chứng kiến bao tội ác của kẻ thù trên quê hương. Khi chưa tròn tuổi mười lăm, ông đã cùng bạn bè và cha đi nhặt thịt, xương của đồng bào bị bom đạn thù sát hại. Ông cắn răng nuốt nước mắt chờ ngày khôn lớn. Năm 1960 lúc tròn hai mươi tuổi, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Xuân Giang đã làm đơn tình nguyện vào ngành Công an nhân dân. Người mẹ già đã khóc cạn nước mắt vì chồng bà đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là con trai độc nhất trong gia đình chỉ có hai anh em. Bố là liệt sĩ, cho nên ông không có giấy gọi nhập ngũ. Nhưng có một điều gì đó thôi thúc ông, đốt trái tim của chàng trai trẻ ngực căng bầu máu nóng. Ngày ông lên đường, mẹ già căn dặn: “Con đi cố gắng làm sao giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ. Mạ sẽ chờ con về. Con cố gắng để xứng đáng với cha con”…

Có lẽ chiến công vang dội nhất, ý nghĩa nhất của ông là việc tiêu diệt tên phản động Nguyễn Thanh Tụng, tên phản bội Nhân dân, là Phó quận trưởng, Bí thư Đảng “Đại Việt” huyện Hải Lăng. Hắn đã ra tay giết hại, bắt đi tù đày, đánh đập, tra tấn dã man hàng trăm đảng viên và phong trào cách mạng ở quận Hải Lăng lúc đó. Bàn tay man rợ của hắn vấy máu cả người vợ của mình, chỉ vì chị có một người em ruột đang là sĩ quan quân đội ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Tụng được bảo vệ rất cẩn mật, ngày làm việc ở huyện đường, tối được lính thủy cho canô chở ra ngủ trên tàu đậu trên biển. Đi đâu, ở đâu hắn cũng có lính tráng bảo vệ. Suốt hai tháng trời trinh sát và lên một số phương án tác chiến, cuối cùng ông được cấp trên giao toàn quyền thực thi nhiệm vụ với phương châm “hiệu quả, ít thiệt hại”.

Trong vai thiếu úy bảo an, cùng hai đồng chí khác, đeo lon trung sĩ ngụy, ông ngang nhiên đi vào sở đường của Nguyễn Thanh Tụng. Bằng thủ thuật tâm lý, tổ biệt động đuổi được tên lính gác cổng để một người thay vào vị trí của nó; đồng chí còn lại chạy ra chặn cửa sau, phòng khi nó tẩu thoát. Ông đĩnh đạc mở cửa bước vào. Thấy “thiếu úy bảo an”, Nguyễn Thanh Tụng nhếch mép cười, toan đưa tay bắt. Ông rút súng, chĩa thẳng vào mặt hắn, cất giọng đanh gọn:

– Nguyễn Thanh Tụng, tên phản bội, giơ tay lên!

Tụng ngơ ngác nhưng hắn ý thức được ngay cái kết cục sẽ đến nên từ từ đứng dậy, giơ hai tay lên cao, song lấm lét, tìm cơ hội xuất một thế võ. Để tránh đạn cho mấy tên hào lý đang ngồi ở phía sau chờ hắn làm việc, ông dõng dạc ra lệnh: Bước sang phải hai bước!

Tụng thực hiện theo lệnh ông và định nhảy song phi, đá văng súng đối thủ. Nhưng ông đã nhanh hơn, kéo cò súng. Nguyễn Thanh Tụng ngã vật xuống. Vớ luôn chiếc cặp da của hắn đặt trên bàn, ông bình tĩnh bước ra ngoài. Bọn hào lý hoảng hốt nhưng không dám la lối. Khi toàn đội đã rút êm xuống thuyền, chèo nhanh về căn cứ thì bọn chúng mới bắn súng, khua kèn, thổi còi, báo động inh ỏi.

Với tài liệu  “Mật” trong chiếc cặp da của Nguyễn Thanh Tụng, ta bắt gọn toàn bộ mạng lưới mật vụ của địch cài trong hàng ngũ cơ sở cách mạng ở huyện Hải Lăng và nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Trị. Với chiến công này, ông được tặng Huân chương Chiến công của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau hơn hai tháng điều tra, địch phát lệnh truy nã ông trên toàn miền Nam nhưng không có ảnh kèm với giải thưởng ba triệu đồng tiền ngụy. Nhưng làm sao chúng có thể bắt được ông khi có người dân yêu nước Quảng Trị là bức tường thành che chở. Để thuận lợi trong tuyên truyền, Bộ Chỉ huy Mặt trận Quảng Trị yêu cầu ông đổi tên. Hà là tên vợ ông, ông ghép thêm chữ Việt phía trước. Cái tên “Việt Hà” có từ bấy giờ và theo ông cho đến tận hôm nay. Với cái tên Việt Hà, ông trở thành một hình tượng đẹp – nhân vật trong bộ phim nổi tiếng “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Vị tướng tình báo Bảy Khiêm ghi nhận: Mặt trận Quảng Trị không thể thiếu Việt Hà, một đội trưởng gan dạ, nhiều mưu lược. Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là một người con ưu tú của quê hương Lệ Thuỷ: “Nếu không có chiến tranh, tôi mãi là một thầy giáo”. Không ai sinh ra đã là anh hùng, Nguyễn Xuân Giang cũng thế. Ông muốn sống bình yên với ruộng vườn nơi làng quê nơi ông sinh ra, nhưng sự khốc liệt của chiến tranh, nợ nước và thù nhà đã thôi thúc ông lên đường hoạt động, cống hiến cho cách mạng. Đối với tôi, điều làm nên một người anh hùng nơi ông còn là lòng dũng cảm, gan dạ, không ngại hy sinh và tinh thần trách nhiệm với công việc mà Đảng và cấp trên giao phó.

Kể cho tôi nghe về những chiến công của mình thời trai trẻ, ông luôn dành sự kính trọng, tri ân đối với người thủ trưởng cũ, anh hùng Bảy Khiêm và những anh em, đồng đội đã hi sinh, chỉ giữ lại cho mình là sự khiêm tốn, giản dị như chính con người ông.

Khi nhắc đến lực lượng Cảnh sát cơ động, ông vẫn mang nhiều trăn trở. Ông nói, lực lượng Cảnh sát cơ động, tiền thân là Cảnh sát bảo vệ, thành lập ngày 15/4/1974, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát cơ động hôm nay thật sự trưởng thành về mọi mặt, lập nhiều chiến công xuất sắc, vị thế ngày càng cao, nhất là khi Quốc hội thông qua Luật Cảnh sát cơ động vừa qua. “Thời của chúng tôi, Cảnh sát cơ động chưa được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh đầy đủ, hiện đại như bây giờ, nhưng lớp lớp cán bộ vẫn dũng cảm, cống hiến và hy sinh, làm nên thương hiệu “quả đấm thép” của lực lượng Công an. Cảnh sát cơ động hôm nay được đào tạo bài bản, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, bồi dưỡng, rèn luyện, không có lý do gì để không tu dưỡng, lập nhiều chiến công mới!”, ông gửi gắm.

Bằng những chiến công vang dội của mình, ông Nguyễn Xuân Giang được Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tặng thưởng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1976.

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang tâm niệm, những việc Đảng giao, nhân dân giao, ông luôn cố gắng hoàn thành, dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng khắc phục vượt qua, không nề hà. 13 huân chương quân công, chiến công giải phóng, là kết quả của bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu của ông và đồng đội trong cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù. Tuổi trẻ Nguyễn Xuân Giang đã dành trọn cho cách mạng, cho đến hôm nay ông rất hài lòng với những cống hiến của mình cho Đảng, cho Nhân dân. Giờ đây, khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn hấp dẫn người xung quanh bằng giọng nói hùng hồn, ánh mắt sáng và những câu chuyện như chứng nhân lịch sử. Đứng cạnh ông, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Thì ra, cuộc đời là như vậy, ông đã sống một cuộc đời ý nghĩa, như câu nói của Paven Coocsagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alexeevich Ostrovsky: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”…

Trương Tâm