Phòng ngừa cháy, nổ tại các Chợ, Siêu thị và Trung tâm thương mại dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

824
Đánh giá bài viết

Theo số liệu thống kê, trên toàn tỉnh có khoảng 200 chợ, siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) lớn, nhỏ, đây là một trong những loại hình cơ sở đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ. Thực tế trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy lớn tại các chợ, siêu thị gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, điển hình như vụ cháy chợ Ba Đồn xảy ra vào lúc 02h00′, ngày 02/01/2015 gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng; vụ cháy chợ Đồng Lê vào lúc 09h00′, ngày 10/4/2017 thiệt hại 150 triệu đồng; vụ cháy siêu thị điện máy Dũng Loan ngày 19/10/2019 gây thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nguyên nhân các vụ cháy phần lớn do sự cố thiết bị điện, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Kiểm tra an toàn PCCC tại chợ Đồng Hới

Còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là tại các chợ, siêu thị, TTTM. Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng các chợ, siêu thị, TTTM đều nhập và dự trữ khá lớn lượng hàng hóa, điều này làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Do đó, việc tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, chủ động phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ, siêu thị và TTTM là những biện pháp cấp bách cần triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên.

Hàng hóa che khuất, cản trở lối tiếp cận phương tiện chữa cháy

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ động kiểm tra chuyên đề đối với chợ, siêu thị, TTTM trên toàn tỉnh, tập trung kiểm tra công tác PCCC tại các chợ, siêu thị, TTTM thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tại các địa điểm kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, tiểu thương thực hiện đầy đủ các điều kiện để bảo đảm an toàn PCCC và CNCH, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay các vi phạm, thiếu sót về PCCC và CNCH, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Song song với công tác kiểm tra, lồng ghép tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, nhất là các hộ kinh doanh tại các chợ biện pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng điện, nguồn nhiệt, hướng dẫn cách sử dụng, bảo trì hệ thống chữa cháy, bình chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Bố trí đảm bảo người thường trực, phương tiện PCCC và CNCH để xử lý kịp thời có hiệu quả các vụ cháy, nổ xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Chủ động xây dựng phương án và phối hợp thực tập các tình huống cháy, nổ tại các chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh.

Hàng hóa cản trở lối thoát nạn trong chợ

Hệ thống điện câu mắc, không đi trong ống gel 

Để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với các chợ, TTTM, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ như sau:

  1. Các hộ kinh doanh trong chợ, siêu thị và TTTM sắp xếp, bố trí hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện. Hàng hóa không được che khuất phương tiện PCCC và CNCH.
  2. Khi mắc thêm thiết bị điện các tiểu thương, hộ kinh doanh phải xin phép Ban quản lý chợ, đường dây điện mắc thêm phải đảm bảo tiết diện, dây dẫn điện phải luồn trong ống gel, khi đấu nối phải đảm bảo đúng kỹ thuật an toàn.
  3. Tuyệt đối không buôn bán dầu không khói, tàng trữ xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ. Nghiêm cấm thắp hương, đốt vàng mã trong chợ, siêu thị và TTTM.
  4. Hệ thống điện phải được tách riêng biệt (kinh doanh, chiếu sáng bảo vệ và thoát nạn, chữa cháy), phải lắp đặt áptomát tổng toàn bộ hệ thống điện, áptomát cho từng tầng, từng nhánh và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh. Khi hết giờ kinh doanh, đóng kín tất cả các cửa quầy, sạp để hạn chế tốc độ lan truyền của đám cháy. Cắt toàn bộ hệ thống điện trừ hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ được lắp riêng biệt.
  5. Không làm thêm mái che, mái vẩy, không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận. Khi làm thêm mái phải được chấp thuận của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH.
  6. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống chữa cháy trong nhà và ngoài nhà, bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thông thường như búa tạ, kìm cộng lực, xà beng theo quy định, đảm bảo sử dụng kịp thời có hiệu quả khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
  7. Đội PCCC cơ sở phải được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, vận hành, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC và CNCH được trang bị; tăng cường công tác thường trực bảo vệ, tuần tra phát hiện cháy, đặc biệt vào ban đêm; Phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người.
  8. Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114, Công an nơi gần nhất, đồng thời tổ chức bằng mọi cách dập cháy và cứu người theo phương án./.

Minh Tý – PC07