Thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12 – Thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân

40
Đánh giá bài viết
Kế hoạch phản gián CM12 là bản hùng ca về một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu, là đỉnh cao của nghệ thuật phản gián, là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, trong đó chủ công là lực lượng An ninh nhân dân. Thắng lợi của Kế hoạch CM12 đã đập tan âm mưu phá hoại lật đổ của các thế lực thù địch, ghi dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách do hậu quả nặng nề của hơn 30 năm chiến tranh. Lợi dụng tình hình, các thế lực thù địch hậu thuẫn mạnh mẽ cho các tổ chức phản động trong và ngoài nước ra đời, đẩy mạnh thực hiện âm mưu phá hoại nhà nước, lật đổ nền chính trị tại Việt Nam.

Trong số đó có tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu được nhiều cơ quan tình báo nước ngoài chỉ đạo và hỗ trợ vật chất, trang bị vũ khí, xây dựng căn cứ, huấn luyện biệt kích…. Mục đích của chúng là tung bọn gián điệp biệt kích cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh xâm nhập về nước hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền Việt Nam còn non trẻ.

Hình ảnh của đối tượng Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh.

Kế hoạch CM12 được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 9/1981 đến tháng 9/1984). Trung tâm chỉ huy của Kế hoạch được đặt tại Hòn Đá Bạc, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Kế hoạch CM12 do đồng chí Phạm Hùng – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chỉ đạo, đặt tên. Đối tượng đấu tranh trong Kế hoạch là các đối tượng gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Sau 3 năm đấu tranh ròng rã, kết thúc kế hoạch, lực lượng An ninh Việt Nam đã tổ chức, đón bắt 18 chuyến xâm nhập, 146 tên gián điệp biệt kích, thu giữ hơn 143 tấn vũ khí, 12 bộ điện đài, gần 300 triệu tiền Ngân hàng Việt Nam giả, 9.300 USD. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hỏng gây bạo loạn. lật đổ. . .

Qua thực hiện Kế hoạch CM12, lực lượng an ninh còn phát hiện, đấu tranh bóc gỡ hàng chục tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Các đồng chí trong Ban chỉ đạo KHCM12 tại “Tổng hành dinh” dã chiến, chỉ đạo triển khai kế hoạch đón bắt bọn phản động lưu vong, năm 1983 tại huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. (Ảnh tư liệu)

Có thể khẳng định rằng, thắng lợi của Kế hoạch CM12 là thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương; kết quả của mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an với quần chúng nhân dân, sự hiệp đồng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các cấp, các ngành; là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, sự sáng tạo, sự chủ động trong bố trí thế trận đảm bảo an ninh của lực lượng Công an Việt Nam.

Qua thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12, lực lượng Công an đã đúc rút được nhiều bài học lớn, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thiện hệ thống lý luận nghiệp vụ Công an và vận dụng vào công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12; Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc lực lượng Công an nhân dân với nhiều phần thưởng cao quý khác.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là Di tích lịch sử Quốc gia.

Để ghi lại dấn ấn lịch sử Hòn Đá Bạc – địa danh đã thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, ngày 22/6/2009 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận di tích Hòn Đá Bạc là Di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia. Nơi đây có Nhà truyền thống, Tượng đài chiến thắng CM12, qua đó góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Theo: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an