Tìm hiểu Điều 134 “Tính thời hạn” trong BLTTHS năm 2015

17178
Đánh giá bài viết

Thời hạn trong Bộ luật Tố tụng hình sự được quy định để tiến hành các hoạt động tố tụng giải quyết vụ án hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tố tụng. Thời hạn mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Ảnh minh họa.

– Thời hạn được tính theo giờ quy định tại các Điều 110, 114, 116, 117, 148; thời hạn được tính theo ngày được quy định tại các Điều 118, 240, 329, 333, 337, 346, 460, 461, 462, 464, 471, 475,476, 477; tính theo tháng 172, 173, 174, 385, 410; vừa tính theo ngày vừa tính theo tháng tại các Điều 147, 277, 481; thời hạn tính theo năm tại các Điều 379, 401. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về tính thời hạn căn cứ quy định tại điều này:

+ Thời hạn tính theo giờ, thời hạn tính theo giờ quy định tại điều luật để giải quyết những vấn đề có tính chất cấp bách, phải xử lý hoặc quyết định ngay vì nếu chậm trễ có thể ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Ví dụ: theo quy định tại Điều 114 Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt. Vì vậy, nếu thời điểm bắt đầu giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do người có thẩm quyền quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 110 giao nộp hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang do người dân bắt giao nộp là đúng 8 giờ sáng ngày 15/5/52016 thì đến đúng 21 giờ tối ngày hôm đó Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải hoàn tất việc lấy lời khai để ra được quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho họ.

+ Thời hạn tính theo ngày thường được quy định để giải quyết những vấn đề cụ thể trong quá trình giải quyết các vụ án cần nhiều thời gian hơn các vấn đề cần giải quyết, xử lý theo giờ. Thường là các việc giải quyết trong thời hạn quá 24 giờ (thời hạn của một ngày) như thời hạn tạm giữ người bị bắt, thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án để quyết định truy tố, xét xử đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thời hạn xét phê chuẩn một số văn bản tố tụng…Nếu tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thời hạn tạm giữ không quá 3 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Vì vậy, nếu lúc nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc khi ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú là đúng 16 giờ ngày 01/04/2016 thì thời hạn tạm giữ hết vào lúc 16 giờ ngày 04/4/2016 (72 giờ).

+ Thời hạn tính theo tháng là cách tính thời hạn phổ biến trong tố tụng hình sự. Đây là thời hạn các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết để giải quyết vụ án trong các giai đoạn tố tụng khác nhau như thời hạn để tiến hành điều tra vụ án, thời hạn truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử…Nếu tính thời hạn theo tháng thì một tháng được tính bằng 30 ngày, thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau, nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn tạm giam để điều tra thì thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với phạm tội ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu bị can phạm tội ít nghiêm trọng bị Cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam 2 tháng kể từ ngày 01/2/2016 và trước đó bị can này chưa bị tạm giữ thì thời hạn tạm giam sẽ kết thúc vào ngày 01/4/2016, tức là ngày trùng của tháng sau.

+ Thời hạn tính theo năm, là thời hạn sử dụng để xem xét giải quyết những vấn đề phát sinh trong một khoảng thời gian dài mà không thể tính theo ngày, tháng như thời hạn kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo các thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Ví dụ: Theo quy định tại Điều 379 Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu ngày bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật là ngày 01/02/2016 thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đó theo hướng không có lợi cho người bị kết án sẽ hết vào ngày 01/02/2007.

Nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn. Ngày nghỉ là ngày không làm việc trong tuần theo chế độ làm việc 40 giờ/1 tuần, – là các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật hoặc những ngày lễ, tết trong năm theo quy định của pháp luật.

– Để có căn cứ xác định hiệu lực của văn bản tố tụng cũng như xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như cơ quan, tổ chức liên quan điều luật quy định nếu có đơn hoặc giấy tờ gửi qua dịch vụ bưu chính thì thời hạn tố tụng được tính căn cứ vào dấu bưu chính (ngày cơ quan bưu chính nơi gửi đóng dấu vào phong bì); đơn hoặc giấy tờ gửi qua cơ sở giam giữ thì thời hạn được tính từ ngày Trưởng Nhà tạm giữ, Trưởng Buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, Giám thị Trại giam, Giám thị trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.

Điều 134. Tính thời hạn

1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.

Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.

Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.

2. Trường hợp có đơn hoặc giấy tờ gửi qua dịch vụ bưu chính thì thời hạn được tính theo dấu bưu chính nơi gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ gửi qua cơ sở giam giữ thì thời hạn được tính từ ngày Trưởng Nhà tạm giữ, Trưởng Buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, Giám thị Trại tạm giam, Giám thị Trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.

Thanh Đạt