Tìm hiểu nội dung Điều 99 BLTTHS năm 2015 về “Dữ liệu điện tử”

861
Đánh giá bài viết

Dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ mới được quy định trong BLTTHS năm 2015. Việc ghi nhận dữ liệu điện tử thể hiện bước tiến bộ của chế định chứng cứ trong BLTTHS, góp phần giải quyết nhiều vướng mắc của thực tiễn, đặc biệt trong quá trình giải quyết vụ án về các tội phạm sử dụng công nghệ cao.

 

Ảnh minh họa.

 

Khoản 1 của điều luật quy định về các loại dữ liệu điện tử bao gồm ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trức, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Điểm đặc thù của phương tiện điện tử chính là phương thức tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi các phương tiện điện tử thay vì dữ liệu in ấn theo phương thức truyền thống. Thực tế dữ liệu điện tử rất đa dạng, có thể là ký hiệu, chữ viết, chữ số, âm thanh, hình ảnh, hoặc dạng tương tự được thể hiện dưới hình thức tín hiệu điện tử lưu trữ trong máy tính hoặc các trang thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số. Đó có thể là những vật chứng thu giữ tại nơi tội phạm xảy ra, mang dấu vết tội phạm như: “cookies”, “URL”, web server logs, Email logs…(đây là những thông tin do máy tính tạo ra); hoặc cũng có thể là những thông tin điện tử khác, như các văn bản, bảng biểu, các hình ảnh, thông tin được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử.

Do đặc thù nêu trên nên dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc trong thu thập chứng cứ nói chung, hoạt động thu thập chứng cứ điện tử phải đáp ứng những yêu cầu đặc thù như bảo vệ tính nguyên trạng của dữ liệu được lưu trữ trong phương tiện điện tử, việc ghi lại dữ liệu (copy) phải được thực hiện đúng quy trình và sử dụng các thiết bị đáng tin cậy, có thể kiểm chứng được. Việc thu thập thông dữ liệu điện tử đòi hỏi người thu thập phải có hiểu biết về phương tiện điện tử, về các phương thức tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được dữ liệu điện tử và có thể phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng trong quá trình thu thập.

Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử ; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác. Ví dụ: Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử là nội dung email có thể xác định bằng việc kiểm tra cách thức khởi tạo và gửi email, tính nguyên vẹn của nội dung email trong hộp thư (inbox) từ khi khởi tạo lần đầu và khả năng truy cập vào email.

 

Điều 99. Dữ liệu điện tử

1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

 

 

Thanh Đạt