Tìm hiểu nội dung về “ Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật”

4294
Đánh giá bài viết

Bình đẳng trước pháp luật cũng là một trong những nguyên tắc Hiến định, Điều 16 Hiến pháp 2013 khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Ảnh minh họa.

 

Nguyên tắc nêu trên thể hiện những nội dung sau:

– Bất cứ người nào phạm tội, dù họ là ai, không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

– Việc tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với tất cả các vụ án đều phải theo trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định, không có ngoại lệ vì lý do dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội…của những người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đối với một số đối tượng đặc biệt như khi bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất…thì ngoài những quy định chung, BLTTHS năm 2015 có những quy định đặc biệt nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của họ trong tố tụng hình sự. Ví dụ, quy định về người bào chữa trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về tân thần hoặc thể chất (điểm b, khoản 1, Điều 76 BLTTHS năm 2015). Đây không phải là đặc quyền, đặc lợi, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật mà là quy định thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

– Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau khi tham gia tố tụng cùng một tư cách; ví dụ: bất cứ người nào khi bị khởi tố bị can cũng đều có quyền và nghĩa vụ của bị can theo quy định tại Điều 60 BLTTHS năm 2015, không kể trước đó họ là ai, có thành phần, địa vị xã hội thế nào.

Nhằm tạo sự bình đẳng trong hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân) và thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu thủ, kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

 

 

“Điều 9. Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật

Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.”

Quang Thắng