Tìm hiểu nội dung về “Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật” Điều 162 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

2389
Đánh giá bài viết

Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc công chức, viên chức, người lao động thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Ảnh minh họa.

 

Hành vi phạm tội của tội này xâm phạm quyền làm việc của công dân được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 35.

Đối tượng của tội phạm này là người làm việc trong các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, tổ chức xã hội, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tuyển dụng trong biên chế là công chức, viên chức nhà nước hoặc là người lao động theo hợp đồng.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt tức là những người có chức vụ, quyền hạn trong việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với công chức, viên chức làm việc trong các nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội hoặc người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khác nhau như thủ trưởng cơ quan, giám đốc công ty…

Theo Điều 162 BLHS năm 2015, hành vi khách quan của tội phạm này được thể hiện ở người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:

– Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn trong việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý ra quyết định buộc công chức, viên chức dưới quyền mình phải thôi việc trái pháp luật.

– Sa thải trái pháp luật đối với người lao động là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn trong việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với người lao động trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý thải người lao động mà không có lý do chính đáng, trái với hợp đồng lao động.

– Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn trong việc tuyển dụng và cho thôi việc đối với công chức, viên chức làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý buộc công chức, viên chức, người lao động dưới quyền mình phải thôi việc bằng các thủ đoạn cưỡng ép, đe dọa tác động đến ý chí của những người này để buộc họ phải thôi việc trái với ý muốn của người đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông qua hội đồng xét kỷ luật của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội phạm khi các hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc làm người bị thôi việc, người bị sa thải rối loạn tâm thần, tổn hại sức khỏe…Tội phạm hoàn thành khi các hành vi phạm tội nêu trên đã cụ thể hóa hành vi khách quan buộc cán bộ, công chức, người lao động thôi việc thành 3 dạng hành vi cụ thể khác nhau như đã nêu ở trên.

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi buộc thôi việc người lao động, công chức, viên chức hoặc sa thải người lao động là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện.

Động cơ thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Đó là động cơ vụ lợi như vì lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần hoặc động cơ cá nhân như do thù tức.

Trong trường hợp người thủ trưởng cơ quan buộc công chức, viên chức dưới quyền mình thôi việc trái pháp luật vì thù tức người này đã tố cáo thì người thủ trưởng cơ quan không chỉ phải chịu TNHS về tội buộc công chức, viên chức thôi việc trái pháp luật (Điều 162 BLHS năm 2015), mà còn có thể phải chịu TNHS về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 166 BLHS năm 2015).

Điều 162 BLHS năm 2015 quy định 2 khung hình phạt:

– Khung cơ bản, quy định hình phạt áp dụng đối với người phạm tội bao gồm: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

– Khung tăng nặng, có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm áp dụng cho người phạm tội thuộc một trong các trường hợp phạm tội sau:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

+ Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

+ Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;

+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác như đình công gây đình trệ, làm tê liệt hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điểm mới trong quy định tại Điều 162 là các nhà làm luật tăng nặng TNHS được thể hiện bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính ở khoản 1 (khung cơ bản) và đã bổ sung khoản 2 (khung tăng nặng) có nghĩa là bổ sung thêm cấu thành tội phạm tăng nặng với 4 tình tiết tăng nặng định khung nói trên. Thể hiện chính sách xử lý nghiêm khắc hơn đối với tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật để bảo vệ tốt hơn quyền làm việc của công dân.

Người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

b) Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

c) Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

c) Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

d) Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Quang Thắng