Ý nghĩa nhân văn của chính sách cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam trong dự thảo luật căn cước

71
Đánh giá bài viết

Để thực hiện nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội và đời sống Nhân dân, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý thì việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.

Một trong những nội dung đáng chú ý, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận tại dự thảo Luật Căn cước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 là việc dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Cùng với những tác động tích cực trong công tác quản lý nhà nước, quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là rất nhân văn, là quy định tiến bộ, ý nghĩa nhân văn.

Luật Căn cước công dân năm 2014 không quy định cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Vì vậy, là cơ quan chủ trì trong xây dựng Luật Căn cước, Bộ Công an đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thấy rằng Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về người nước ngoài và công dân Việt Nam; trong đó, tập trung quy định về việc công nhận, xác định quốc tịch, quản lý cư trú (cấp thẻ thường trú, tạm trú…). Tuy nhiên, các luật này đều không điều chỉnh, quy định về quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam.

Việc quản lý và bảo đảm địa vị pháp lý cho người gốc Việt Nam ở nước ta là yêu cầu cấp thiết, có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến chiến tranh, di cư… Hiện nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này. Những người này đều không đủ điều kiện được cấp thẻ thường trú, tạm trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; không thể thực hiện khám chữa bệnh, ký hợp đồng lao động, nhập học hoặc tham gia giao dịch dân sự cần chứng minh thông tin nhân thân…

Để cụ thể hóa chính sách về mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận căn cước thì tại khoản 10 Điều 3 và Điều 5 dự thảo Luật Căn cước quy định rõ việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Theo đó, người gốc Việt Nam là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Người gốc Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Thực tiễn hiện nay, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu gì về người gốc Việt Nam; việc này gây ra khó khăn trong quản lý đối với họ, nhất là trong vấn đề bảo đảm ANTT khi họ vi phạm pháp luật; đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất ANTT, an toàn xã hội. Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng này, quy định quản lý căn cước đối với người gốc Việt Nam tại dự án Luật là cần thiết và phù hợp. Nội dung này không trái với quy định của Luật Quốc tịch và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

                                       Đội Pháp chế và QLKH – Phòng Tham mưu