Cảnh giác chiêu trò của kênh đầu tư ngoại hối trên không gian mạng

287
Đánh giá bài viết

Thời gian gần đây, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi. Đặc biệt là các đối tượng người nước ngoài câu kết với những đối tượng người Việt hoạt động phạm tội tại nước ngoài. Điển hình cho thủ đoạn lừa đảo này là sàn RosyStyle với phần thưởng, lợi nhuận “khủng” được đối tượng đưa ra nhằm dụ dỗ người chơi và sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền của các nhà đầu tư.

Với tinh thần bí mật, bất ngờ, khẩn trương và quyết liệt, ngày 20/6/2023, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Tây Ninh, Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Cần Thơ và Đồn Biên phòng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đồng loạt tiến hành triệu tập, đấu tranh 6 đối tượng liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các đối tượng người Việt Nam được nhóm người Trung Quốc thuê làm việc để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua sàn RosyStyle.

Điều tra mở rộng, ngày 23/7/2023, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với 5 đối tượng, gồm: Hồ Thanh Tiền (SN 1992), Khương Thuận Phát (SN 1994), đều trú tại TP. Hồ Chí Minh; Phạm Thùy Dung (SN 1994, trú tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai) và 2 đối tượng người Trung Quốc mang quốc tịch Malaysia để điều tra về các hành vi “Thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Tiến hành làm rõ, đã xác định 24/44 tài khoản ngân hàng được các đối tượng sử dụng để nhận tiền của bị hại. Qua phân tích, xác định tổng số tiền chuyển vào 24 tài khoản này là hơn 1.830 tỷ đồng, trong đó có hơn 5.500 tài khoản có giao dịch chuyển số tiền từ 11 triệu đồng trở lên. Các tài khoản này đều do các đối tượng người Trung Quốc quản lý, sử dụng.

2 đối tượng người Trung Quốc mang quốc tịch Malaysia.

Để dẫn dụ, lôi kéo người tham gia, các đối tượng đưa ra các chương trình khuyến mãi tham gia sàn RosyStyle với những phần thưởng, lợi nhuận hấp dẫn nhằm đánh vào lòng tham của người tham gia. Với những người mới bắt đầu, để tạo lòng tin, chúng đưa ra chương trình khuyến mại tặng 200.000 đồng theo phương thức nạp card điện thoại, chuyển khoản hoặc chuyển quà tặng là chai rượu vang, kèm theo là 500 voucher (là tài khoản được tặng 500 USD nhưng không thể rút được).

Hàng ngày, bộ phận chăm sóc khách hàng giả vờ hỏi thăm, quan tâm đến đời sống, tâm lý của bị hại để tạo tình cảm, lòng tin. Sau 1 tuần, các bị hại tiếp tục được tặng thêm 500 voucher. Sau đó, các đối tượng mở nhóm trên zalo để bị hại trải nghiệm miễn phí từ 3-5 ngày và chúng thể hiện, thông báo cho khách hàng là có lợi nhuận trong tài khoản. Khi kết thúc chương trình trải nghiệm miễn phí, các đối tượng này hướng dẫn khách rút được lợi nhuận về (khoảng 30-40 USD/người) để tạo lòng tin.

Sau đó, các đối tượng tiếp tục tương tác, quan tâm, hỗ trợ người chơi, giới thiệu chương trình trải nghiệm lần 2, khuyến khích bị hại tham gia đăng ký và gửi thiếp mời cho bị hại tham gia. Khi có người tham gia, các đối tượng lại tổ chức hình thức quay số trúng thưởng. Các đối tượng này giới thiệu là quay số ngẫu nhiên trúng thưởng, nhưng thực chất là các đối tượng thao túng, điều chỉnh cho các bị hại đều có giải và được tặng thưởng 4.000 voucher vào tài khoản.

Các thiết bị điện tử được thu giữ từ nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan đến hoạt động phạm tội từ sàn RosyStyle.

Những bị hại tham gia trải nghiệm lần 2 đều được các đối tượng này thuyết phục phải nạp thêm 1.000 USD để đủ 5.000 USD theo quy định của chương trình đầu tư trải nghiệm. Chúng dẫn dụ bị hại là khi đủ điều kiện trở thành thành viên chính thức của đội ngũ quản lý tài chính thì sẽ được hưởng mức lợi nhuận 25%/tháng và có cơ hội tham gia tiếp chương trình “giao dịch nhất quán” mỗi tuần, với mức lợi nhuận sau giao dịch trên 20%/lần.

Trung tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết, khi bị hại tin tưởng, tiếp tục tham gia, các đối tượng này tìm cách dẫn dụ yêu cầu tăng thêm vốn. Những bị hại có khả năng tăng vốn thì chúng bằng mọi thủ đoạn gian dối để bị hại tin tưởng (như cho rút tiền để tạo niềm tin) và tiếp tục tăng vốn đầu tư. Những bị hại không còn khả năng tăng vốn thì chúng tìm mọi lý do và cách thức để bị hại không rút được tiền, khóa không cho đăng nhập tài khoản. Những bị hại khiếu nại thì chúng tìm cách và tạo lý do trì hoãn, yêu cầu nạp thêm tiền.

Hàng trăm thẻ sim điện thoại được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng này còn tạo ra các khách hàng giả (thường gọi là sanfang), tham gia cùng nhóm với khách hàng thật (là những bị hại), tương tác với bị hại, khoe được lợi nhuận cao, tỏ ra chia sẻ, giúp đỡ bị hại khi có khó khăn để tạo lòng tin, kích thích lòng tham cho bị hại.

Từ vụ án trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư hãy cẩn trọng với các khoản phí và chi phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường. Thận trọng khi người khác đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư mà bạn không biết gì về nó. Cần lưu ý rằng, việc nhận diện và phòng ngừa lừa đảo là rất quan trọng. Hãy luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín, được xác thực.

Trần Tuấn