Hội thảo quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật

529
Đánh giá bài viết
Ngày 23/9/2022, tại TP. Đồng Hới, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (C06), Bộ Công an  phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật trong và sau dịch Covid-19 theo chức năng của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH.
Tham dự hội thảo có đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng C06, Bộ Công an; đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình và đại diện Phòng PC06 Công an 25 địa phương.

Theo đó, sau gần 3 năm đại dịch Covid-19 nước ta có hơn 21.000 người chết, hơn 2.500 trẻ em bị mồ côi, trong đó có những trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đây là tổn thất vô cùng to lớn về người, tinh thần và vật chất, để lại những hậu quả xã hội hết sức nghiêm trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân, trong đó có công tác đảm bảo ANCT, TTATXH.

Toàn cảnh buổi hội thảo quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật.
Sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp. Theo báo cáo của Công an các địa phương, tình hình trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật diễn biến phức tạp trở lại, có dấu hiệu gia tăng cả về quy mô, tính chất và mức độ, tích hợp thành các băng, nhóm hoạt động, hành vi không chỉ mang tính bột phát mà có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng, tinh vi; tính chất mức độ nguy hiểm, vượt quá giới hạn độ tuổi, hành vi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, như: Cướp tài sản, giết người, mua bán, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy…
Theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, cả nước xảy ra 16.163 vụ với 26.420 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, trong đó 7.498 trẻ em, chiếm 28,38%.
Do vậy, việc tổ chức hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng, tình hình, phân tích làm rõ nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi làm trái pháp luật; từ đó đề xuất biện pháp, phương hướng thực hiện tốt công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật tại địa bàn cơ sở.
Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương đã trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, cách làm hay trong quá tình chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nêu thực trạng tình hình, khó khăn, vướng mắc; đánh giá tổng quát, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra giải pháp trong việc thực hiện công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật giai đoạn trong và sau dịch Covid-19.
Qua hội thảo đã đánh giá được vai trò, tầm quan trọng của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, trực tiếp là CSKV, Công an xã trong việc thực hiện công tác quản lý, giáo dục, phòng ngừa trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường trong thực hiện công tác này; từ đó nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật trong gia đoạn hiện nay.
Hội thảo cũng cho thấy hiệu quả hoạt động của các mô hình quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật của mỗi địa phương; đồng thời, các địa phương học tập, nhân rộng và vận dụng những kinh nghiệm quý giá trong công tác phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật.
                                              Trần Tuấn