Kỳ 3: Quan điểm nhân dân trong tư tưởng Công an nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

872
Đánh giá bài viết

 

Trong 12 điều răn cán bộ, Bác Hồ đã khái quát bằng mấy câu thơ:

“Quân tốt, dân tốt,

Muôn sự đều nên,

Gốc có vững, cây mới bền.

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”

Cái nền “nhân dân” ấy cũng là nền tảng của Công an nhân dân.

 

Bác Hồ là người đầu tiên khẳng định nhân dân lao động là lực lượng quyết định sự nghiệp đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm khác nhằm bảo vệ ANCT và giũ gìn TTXH ở nước ta, nhân dân là nguồn gốc tạo thành sức mạnh vô địch của công an, thể hiện trong một luận điểm nổi tiếng của Người: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

 

Đường lối quần chúng của Đảng ta là hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng. Bác Hồ đã nhiều lần khẳng định công tác công an phải đi theo đường lối quần chúng. Người dạy: “Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Các chú phải thấu suốt chính sách của Đảng và đi đường lối quần chúng”, “ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”. Để cho chúng ta nhận thức rõ vấn đề đó, Người còn phân tích mối quan hệ biện pháp kỹ thuật với biện pháp quần chúng. Người nói: “Vấn đề kỹ thuật trong công tác công an cũng cần, nhưng vấn đề quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền cho dân, để quản lý tốt tai, mắt, miệng của dân, làm thế nào dân giúp công an để phát hiện địch, nói những điều dân biết về địch, và giấu địch những điều của ta. Nói cho địch phải nói dối, nói cho ta phải nói thật. Mắt để phát hiện địch, tai cũng vậy. Tổ chức tốt quần chúng để không cho địch biết và bảo vệ ta. Cho nên, cần có kỹ thuật nhưng chủ yếu phải dựa vào dân”.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân đang gặt lúa ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

 

Người đã giáo dục công an về hình thức, phương pháp vận động quần chúng trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANCT và TTATXH. Người nói: “Phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức và giáo dục nhân dân trong công việc phòng gian, để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an”, … “Phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa”. Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”, “Ta quan tâm đến đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta” v.v…

 

Bác Hồ đã nghiêm khắc phê bình thái độ tự kiêu, tự đại xã rời quần chúng, không chịu điều tra nghiên cứu, thiếu ý thức toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là những tác phong hoàn toàn xa lạ với bản chất Công an nhân dân. “Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra nghiên cứu, không được tự kiêu tự đại. Phải toàn tâm, toàn ý phục vụ dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy”. “Phải triệt để sửa đổi tác phong mệnh lệnh, quan liêu, hống hách, phải gây quan hệ thật tốt giữa công an với nhân dân”.

 

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất Công an nhân dân còn phải biểu hiện ở thái độ của công an đối với nhân dân: “Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an” để đi đến “hiểu công an, yêu công an, giúp đỡ công an”. “…Phải khuyến khích cho dân phê bình công an. Trong 10 lần phê bình cũng có lần đúng, có lần không đúng. Đúng thì nhận, không đúng thì giải thích”, “Phải kính trọng, lễ phép đối với nhân dân”, “Phải làm gương mẫu trong mọi việc, tùy hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp dỡ nhân dân, gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ…”. Trong lần nói chuyện với Hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ, Bác nói: “Cũng vì mục đích bảo vệ Bác nên các chú không muốn đồng bào đến gần, cho nên đã xô đẩy đồng bào. Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác. Nhưng các chú thì lại không muốn. Nó có mâu thuẫn nhưng phải làm thế nào? Mình là dân chủ, Bác cũng như các chú đều nói là phục vụ nhân dân. Cho nên phải khéo tổ chức, nếu không khéo tổ chức thì xô đẩy cũng không được, phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác vừa không xô đẩy đồng bào”.

 

Qua lời khuyên rất nhẹ nhàng của Bác, ta thấy Bác không chỉ nói về thái độ, mà qua thái độ, Bác nói đến công tác tổ chức như thế nào để bảo đảm được thái độ và sâu sắc hơn nữa, cao hơn nữa, là qua thái độ, qua cách tổ chức mà giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng.

 

Đủ thấy quan điểm nhân dân trong tư tưởng Công an nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu sắc biết chừng nào.

 

Bác Hồ đến thăm cán bộ chiến sỹ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão.

 

Lại xin đơn cử một trong nhiều dẫn chứng điển hình về quan điểm nhân dân trong tư tưởng về Công an nhân dân của Bác Hồ: Năm 1956 Bộ Công an đã trình lên Bác dự thảo “Mấy điều quy định về Đồn công an”. Trong đoạn mở đầu, dự thảo có ghi: “Để tăng cường trị an xã hội, giữ gìn trật tự chung, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, nay quy định nhiệm vụ và quyền hạn Đồn Công an như sau…”Bác đã chữa lại là: “Công an là công an của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, cho nên mỗi người công an phải làm đúng những quy định sau đây:…”

 

Nói đến phạm trù “quần chúng” trong phong trào quần chúng đấu tranh bảo vệ ANTT, để cho chúng ta có nhận thức và hành động đúng, Người đã định nghĩa một cách rất dễ hiểu mà hết sức đầy đủ: “Quần chúng là toàn thể các chiến sỹ quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, nhân viên trong cơ quan…rồi đến toàn thể nhân dân”. Người chỉ rõ thế nào là một trong phong trào quần chúng thực sự. “Việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh. Như vậy, mới thật là một phong trào quần chúng”.

 

Nghiên cứu tư tưởng cơ bản của Bác Hồ về bản chất nhân dân của công an, ta có thể rút ra kết luận: Nhân dân là mục đích, là trách nhiệm cao nhất của Công an nhân dân; nhân dân vừa là lực lượng quyết định trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, vừa là nguồn gốc sức mạnh vô địch, là động lực phát triển Công an nhân dân về mọi mặt; dựa vào quần chúng, liên hệ chặt chẽ với quần chúng vừa là đường lối công tác, là biện pháp rất cơ bản, vừa là phương pháp, tác phong, thái độ, lại vừa là nhân cách, là lẽ sống, là phẩm chất cao quý của Công an nhân dân. Bản chất nhân dân của công an đã được Bác Hồ khái quát rất cô động và sâu sắc: công an của ta là của dân, vì dân và dựa vào dân.

 

Trong quan điểm của Bác Hồ, bản chất giai cấp, bản chất nhân dân, bản chất cách mạng của công an ta quyện chặt vào nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, thâm nhập nhau hòa hợp thành một cấu trúc vững chắc, trên nền tảng bản chất cách mạng triệt để của giai cấp công nhân. Chính vì thế, trong khi nhấn mạnh bản chất nhân dân của công an, Người cũng đã khẳng định dứt khoát bản chất giai cấp của công an: “Công an là vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản”, “là cánh tay của Đảng, của chuyên chính vô sản”, “Công an nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng”. Ngày nay, Nghị quyết của Bộ Chính trị lại nhấn mạnh: “Công an nhân dân là một công cụ bạo lực trọng yếu của Đảng và Nhà nước chuyên chính vô sản, là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ ANCT và TTXH”.

 

Quán triệt tư tưởng của Bác Hồ về bản chất Công an nhân dân và mô hình phát triển Công an nhân dân Việt Nam, cố Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng nêu rõ: “Bác thường xuyên chú trọng xây dựng phẩm chất và năng lưc cho cán bộ, chiến sỹ, là người đầu tiên chỉ rõ mô hình người Công an nhân dân Việt Nam được khái quát cô động nhất, sâu sắc nhất trong sáu điều dạy của Bác Hồ với Công an nhân dân. Khoa học Công an nhân dân cần phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, khai thác sâu sắc hơn nữa, vận dụng nhuần nhuyễn hơn nữa để làm cho Công an nhân dân xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng là công cụ sắc bén của nhà nước chuyên chính vô sản, là con em yêu quý của nhân dân”.

 

Để quán triệt tư tưởng Công an nhân dân của Bác Hồ trong tình hình mới, chúng ta phải  tích cực, nghiêm chỉnh thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác đấu tranh đảm bảo an ninh, trật tự, ra sức hoàn thành tốt cuộc vận động xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chúng ta phải đặt vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng đi đôi với bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ một cách thường xuyên, kiên quyết và triệt để hơn nữa, qua phong trào học tập, thấm nhuần và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. Trong nội dung bồi dưỡng, phải đặc biệt chú trọng giáo dục quan điểm và đường lối giai cấp của Đảng. Đi đôi với giáo dục, xây dựng, biểu dương, phải có phê bình và kỷ luật nghiêm minh. Song, không thể chỉ dừng lại ở giáo dục nâng cao nhận thức, tư tưởng mà vấn đề quan trọng hơn là tổ chức công tác, tổ chức bộ máy, tổ chức lề lối làm việc, xây dựng một hệ thống điều lệnh, điều lệ, quy định thật chặt chẽ, khoa học mới có thể biến nhận thức thành hành động cụ thể, mới có thể kiểm soát, khống chế và làm giảm hẳn được những hành động sai trái với bản chất nhân dân, bản chất giai cấp của Công an nhân dân để ngày càng củng cố lòng tin yêu của quần chúng nhân dân đối với Công an nhân dân chúng ta.

 

BBT