Nỗ lực để Đề án 06 đảm bảo đúng tiến độ

343
Đánh giá bài viết

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia. Qua thời gian thực hiện, với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an Quảng Bình đã và đang nỗ lực để Đề án đảm bảo đúng tiến độ đề ra…

 Chúng tôi cùng đoàn cán bộ trẻ của Công an tỉnh có chuyến công tác tại xã miền núi biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với nhiều nội dung. Tuy nhiên, đáng lưu ý hơn cả là việc đội ngũ cán bộ, chiến sỹ của các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Quảng Ninh đã tiến hành các thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho bà con nhân dân trên địa bàn.

Hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Với đặc điểm là vùng sâu, vùng xa biên giới, nhân dân xã Trường Sơn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục để làm căn cước công dân và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Hiểu rõ vấn đề này, Công an Quảng Bình đã thành lập tổ công tác đến tận nơi, phối hợp cùng Công an xã Trường Sơn để hỗ trợ bà con. Nhiều người dân thất lạc giấy tờ hoặc thậm chí không có giấy tờ, lực lượng Công an đã có nhiều cách, thông qua nhiều kênh để thu thập thông tin người dân một cách chính xác, tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp để cấp căn cước công dân cho người dân theo đúng quy định của pháp luật. Trung úy Phan Hữu Quốc Huy, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Sau khi người dân được cấp căn cước công dân, lực lượng Công an đã hướng dẫn cho người dân để kích hoạt tài khoản định danh điện tử, qua đó giúp cho bà con nhân dân thực hiện được các giao dịch hành chính sau này thông qua mạng Internet được tương đối dễ dàng, không mất nhiều thời gian, công sức đi lại…

Tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, chứng kiến nhiều người dân phấn khởi khi đến lấy kết quả việc thực hiện giao dịch hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến, ai ai cũng thấy thuận lợi và đỡ rất nhiều thời gian bởi không phải đi lại nhiều vòng, hay chờ đợi mà chỉ ngồi nhà thực hiện việc giao dịch thông qua hệ thống dịch vụ công khi có tài khoản định danh điện tử. Anh Phan Thanh Thảo, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch hồ hởi, được lực lượng Công an hướng dẫn thực hiện giao dịch trên cổng dịch vụ công trực tuyến, cho nên tôi đã thực hiện ở nhà và đến đây chỉ có lấy kết quả thôi, rất nhanh và thuận lợi…

Quảng Đông là một trong những địa phương đi đầu của huyện Quảng Trạch trong việc cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân. Đây là một nội dung quan trọng để thực hiện đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn. Đó là kết quả của sự nỗ lực của lực lượng Công an xã trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Một số trường hợp như đi lao động nước ngoài, hoặc đăng ký tạm trú ở nơi khác, hoặc đau ốm bệnh tật… cũng đã được lực lượng Công an cơ sở đánh giá để thông tin kịp thời đến với họ khẩn trương thực hiện việc cấp căn cước công dân gắn chíp. Thượng tá Nguyễn Hoàng Minh, trưởng Công an huyện Quảng Trạch, cho biết: Công an xã Quảng Đông cũng đã rất chủ động trong việc rà soát, đánh giá toàn diện nhân khẩu từ 14 tuổi trở lên để cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử. Và hiện nay trên địa bàn toàn xã chỉ còn khoảng hơn 100 người chưa được cấp căn cước công dân gắn chíp vì những lý do khách quan. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an toàn huyện nói chung và Công an xã Quảng Đông nói riêng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để 100% người dân trong độ tuổi được cấp căn cước công dân gắn chíp theo quy định và thực hiện có hiệu quả các nội dung tiếp theo của Đề án 06…

Lực lượng Công an phục vụ người dân tại Trung tâm hành chính công của tỉnh

Có thể nói, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06) triển khai trên địa bàn tỉnh, với vai trò của cơ quan thường trực, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã và đang tham mưu triển khai thực hiện khá quyết liệt với tinh thần “làm việc nào dứt điểm việc đó”, nên các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm đã cơ bản hoàn thành. Đã thực hiện được 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo yêu cầu của Đề án 06; 100% cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ CCCD gắn chip; số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ Bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD đạt tỷ lệ 95,1%…

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn vướng mắc như tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến ở một số lĩnh vực chưa cao; Dữ liệu dân cư chưa bảo đảm hoàn toàn “đúng, đủ, sạch, sống”, còn tình trạng dữ liệu công dân bị sai lệch; Trình độ dân trí, khả năng, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin của người dân trên địa bàn còn hạn chế; một số công dân không sử dụng điện thoại thông minh dẫn đến không thể cài đặt ứng dụng VNeID; quá trình sử dụng VNeID còn nhiều bất cập, mã kích hoạt được gửi đến thiết bị cũ của công dân đã từng cài đặt ứng dụng nên không thể kích hoạt được tài khoản trên thiết bị mới; hạ tầng công nghệ thông tin tại một số xã còn hạn chế, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống mạng, máy tính… nên việc hỗ trợ công dân trong nộp hồ sơ trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn…

Theo Đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, để Đề án 06 đảm bảo tiến độ đề ra theo lộ trình hằng năm, lực lượng Công an tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử; hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đảm bảo 100% công dân trong độ tuổi trên địa bàn được cấp CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử; làm sạch dữ liệu của các ngành; tuyên truyền người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; triển khai các mô hình dịch vụ công trực tuyến tại các địa bàn cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả để nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh…

N.Q.V