Tai hại từ kiểu giật tít, đăng thông tin thiếu minh bạch

220
Đánh giá bài viết

Với cách giật tít mập mờ, nội dung thiếu minh bạch gây hiểu lầm không đáng có nhằm mục đích để bài viết được chú ý nhiều hơn và chạy theo thị hiếu tầm thường từ một bộ phận độc giả đã dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự (ANTT).

Mới đây nhất, từ vụ việc bắt 2 đối tượng tàng trữ trái phép ma túy trong khu vực Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) xảy ra vào ngày 26/2/2024, là Đặng Thanh Vũ (SN 1994, trú tại xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới) và Hoàng Hải Đức (SN 1990, trú tại phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới) tại xưởng giặt (khu vực này giao lại cho một đơn vị quản lý và sử dụng theo hợp đồng) là một ví dụ điển hình.
Cơ quan Công an đã khám xét, thu giữ gần 500 viên ma túy tổng hợp dạng hồng phiến. Đối tượng Vũ và Đức khai nhận là nhân viên của Công ty Ngọc Minh Châu có trụ sở tại TP. Hà Nội, đang có hợp đồng giặt đồ với Bệnh viện HNVN-CBĐH. Quá trình làm việc ở xưởng giặt, 2 đối tượng đã mua số ma túy này về cất giấu để sử dụng cá nhân.
Sẽ chẳng có gì nhạy cảm nếu vụ việc không rơi đúng ngày 27/2-Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại bệnh viện lớn nhất của tỉnh và cũng chẳng gây dư luận ồn ào nếu như thông tin này được phát ngôn một cách chính thống, đúng bản chất của sự việc. Tuy nhiên, một số tờ báo điện tử đã nhanh chóng giật tít, đăng thông tin mập mờ khi vụ án đang quá trình điều tra khiến người đọc tò mò, xôn xao.
2 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.
Hệ lụy được phản ứng ngay tức thì, người đọc khi tiếp cận thông tin ngờ vực đặt các câu hỏi: “Phải chăng bệnh viện chứa chấp những đối tượng buôn ma túy?”, “Tại nơi chữa bệnh mà cũng có bán ma túy?”, “Nhân viên bệnh viện buôn ma túy bán cho bệnh nhân?”, “Có ai tiếp tay?”, “Bác sĩ dùng không?”… Sự việc càng được đẩy lên cao và thu hút sự quan tâm của nhiều người hơn khi nhiều tờ báo đăng lại thông tin và các trang mạng cùng thi nhau giật tít, bạn đọc thì chia sẻ, bình luận…
Dư luận ồn ào với thông tin trái chiều, không rõ ràng trong thời điểm cả nước dành sự chia sẻ với những gian khổ, vất vả của các y bác sĩ trong ngày đặc biệt-Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đáng ra họ xứng đáng nhận được lời chúc mừng bởi những cống hiến cao cả, thầm lặng thì phải kém vui từ vấn đề thông tin không đầy đủ của truyền thông về vụ việc mà bản thân họ không hề liên quan.
Cũng không thể trách lực lượng Công an bắt đối tượng tàng trữ gần 500 viên ma túy vào đúng ngày đặc biệt của ngành Y. Chúng ta cần hiểu rằng, ở xã hội nào, giai đoạn phát triển nào cũng phát sinh tội phạm, đặc biệt những năm gần đây tội phạm ma túy trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy rất khó khăn, gian khổ, bởi phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi và xảo quyệt, liều lĩnh.
Điều đáng tiếc hơn, ít người hiểu được sau mỗi chuyên án, vụ án còn là quá trình điều tra, mở rộng và công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an. Tuy nhiên, sự vội vã của truyền thông khiến vụ án trở nên đứt đoạn, nhất là khi một số tờ báo điện tử đưa thông tin với mục đích câu like, view… đã vô tình gây sự nhiễu loạn, phản ứng trái chiều và nguy cơ gây mất ANTT.
Dù vô tình hay cố ý thì điều khiến chúng ta phải lo lắng rằng, trong một số trường hợp, việc người dân tiếp cận nhiều nguồn thông tin thiếu kiểm chứng, chạy theo thị hiếu của một số trang báo, mạng xã hội đã dẫn đến tình trạng dễ tiếp nhận, dễ tin vào các thông tin này, qua đó đã hiểu sai về bản chất sự việc, hiện tượng và hệ quả ai cũng dễ dàng nhận ra.
Sự nhanh nhạy, kịp thời về thông tin mà báo chí mang đến cho người đọc là điều không thể phủ nhận trong thời đại công nghệ số hiện nay. Đưa thông tin trung thực, có trách nhiệm đến với bạn đọc, tôn trọng pháp luật là điều xã hội và người đọc luôn yêu cầu ở mỗi người làm báo. Từ vụ việc được dẫn chứng trên chính là một điển hình, sự vô tình có chủ đích đã gây nên sự tổn thương cho nhiều người, nhiều đơn vị, xã hội và hậu quả khó có thể đo đếm được, đây chính là con dao hai lưỡi khi báo chí thông tin không đầy đủ.
Trần Tuấn