Tìm hiểu nội dung Điều 57 BLTTHS năm 2015 về “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”

9411
Đánh giá bài viết

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người tham gia tố tụng mới được bổ sung theo quy định của BLTTHS năm 2015. Đây là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại bị tố giác đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc bị kiến nghị khởi tố.

 

Ảnh minh họa.

 

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có các quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, bao gồm: được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai, trình bày ý kiến; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng  của cơ quan người có thẩm quyền  tiến hành tố tụng.

Các quy định về quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, xuất phát từ quan điểm coi những người này cũng là một trong các chủ thể bị tình nghi phạm tội. Tuy nhiên, do các thông tin đánh giá vi phạm của họ chỉ là ở mức độ ban đầu, một chiều nên BLTTHS quy định các quyền của hộ  theo hướng nhằm hạn chế những vi phạm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền  tiến hành tố tụng mà không cụ thể như người bị buộc tội. Chẳng hạn, họ chỉ có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, chứ không phải là tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa như người bị buộc tội.

Cùng các quyền, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố phục vụ cho việc giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố.

 

Điều 57. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố

1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;

d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.

 

Quang Thắng