Tín dụng đen – Vòng xoáy nợ nần không lối thoát

291
Đánh giá bài viết

Tín dụng đen hay còn gọi là cho vay nặng lãi hiện nay đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Cụm từ này chỉ các dạng hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hay tổ chức tín dụng chính thức, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Hiện nay, 

Tín dụng đen diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn cho vay tinh vi tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an toàn xã hội. Thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, không phụ phí, nhận tiền nhanh chóng… Đó là những lời quảng cáo đầy hấp dẫn mà “tín dụng đen” thu hút người có nhu cầu vay tiền. Trong đó, đối tượng mà tín dụng đen nhắm đến là các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên mới lớn ở các làng quê, người thất nghiệp, người có việc cần tiền đột xuất…

Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi tín dụng đen đã sử dụng nhiều chiêu thức như: phát, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng, cột điện, tường rào, nơi có nhiều người qua lại hoặc quảng cáo qua mạng xã hội như zalo, facebook…. Đặc biệt người dân đến vay tiền thì chỉ cần cung cấp bản photo giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, giấy phép lái xe… sau đó, các đối tượng sẽ tiến hành làm hợp đồng vay mượn có chữ ký của người vay tiền nhưng nhóm các đối tượng cho vay sẽ giữ hợp đồng mà không đưa cho người vay…

Chúng ta có thể nhận biết hoạt động Tín dụng đen với các giao dịch dân sự hợp pháp thông qua các đặc điểm nhận biết sau:

Thứ nhất, tín dụng đen không được pháp luật thừa nhận: Với bản chất là các cá nhân, tổ chức hoạt động trọng lĩnh vực vay tín dụng những không đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước và với mức lãi suất mà các cá nhân, tổ chức này tự đặt ra không theo quy định thậm chí còn không đúng với hình thức, lãi suất, chủ thể được quy định tại Bộ luật dân sự và của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Chính vì điều này nhà nước không công nhận và đang tìm cách hạn chế hướng tới loại bỏ hình thức này ra khỏi xã hội để ổn định lại trật tự vốn có của thị trường. Vì vậy nếu người tham gia tín dụng đen xảy ra các trường hợp không mong muốn thì quyền lợi được đảm bảo sẽ ít hơn rất nhiều và có khả năng cao lợi ích hợp pháp sẽ bị xâm hại nghiêm trọng.

Thứ hai, tín dụng đen có lãi suất cao: Nếu đối với các hình thức cho vay của ngân hàng, các tổ chức tín dụng được pháp luật điều chỉnh về mức lãi suất tối đa, hoặc phải tuân theo quy định của pháp luật về ngân hàng thì với tín dụng đen lãi suất được xác lập mà không theo quy định của pháp luật. Tín dụng đen có những hình thức rất đơn giản, dễ dàng đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng mà không cần tốn thời gian và công sức nhiều để thực hiện các giao dịch phức tạp. Tuy nhiên, một khi khách hàng đã vướng vào Tín dụng đen thì người đi vay sẽ phải chịu khoản nợ đi kèm với lãi suất rất cao và mang nhiều rủi ro (vì mức lãi suất là do các cá nhân, tổ chức này tự đặt ra và không theo, không đúng với hình thức, lãi suất được quy định tại Bộ luật dân sự và của Ngân hàng nhà nước Việt Nam). Nếu trường hợp chưa thể trả hết nợ đúng kỳ hạn, người vay không trả sẽ tiếp tục phát sinh thêm các khoản lãi khác và nguy cơ rơi vào trường hợp mất khả năng trả nợ.

Thứ ba, Tín dụng đen tiềm ẩn rủi ro cao bởi các chủ thể đi vay khi thực hiện giao dịch được gọi là tín dụng đen thường sẽ được vay mà không có tài sản thế chấp. Khi không thể thanh toán khoản nợ đúng hạn và nhiều trường hợp không thể thanh toán được nên khi người đi vay mất khả năng trả nợ thì các tổ chức, cá nhân cho vay sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình thu hồi nợ do hình thức tín dụng đen không được nhà nước công nhận và khi xảy ra tranh chấp việc đưa ra pháp luật bảo vệ là rất hạn chế.

Thứ tư, Vay tín dụng đen sẽ tạo ra những khoản nợ lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền vay ban đầu. Hậu quả của hoạt động “tín dụng đen” là hết sức nặng nề. Khi không có khả năng chi trả sẽ bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện hoặc trực tiếp đến nhà đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung, cưỡng đoạt tài sản khiến người vay nợ khiếp sợ, không dám tố cáo hoặc không dám hợp tác với cơ quan Công an để điều tra.

Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, vô hiệu hóa và xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, Cơ quan Công an khuyến cáo:

1. Người dân cần hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và hậu quả của nó gây ra cho bản thân, gia đình nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, không tiếp tay hoặc để các đối tượng lợi dụng hoạt động.

2. Người dân tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen”, khi phát hiện dấu hiệu của tổ chức tín dụng đen hoặc những nhóm thanh niên thuê nhà tạm trú trên địa bàn nghi là tay chân của những tổ chức tín dụng đen, người dân cần điện báo ngay cho cơ quan Công an địa phương để có biện pháp theo dõi, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý.

3. Khi thấy có các tờ rơi quảng cáo cho vay dán ở khu vực công cộng, xung quanh các hộ dân sinh sống, dán trên cột điện, góc tường, tường rào… người dân cần xé bỏ hoặc bôi xóa số điện thoại nhằm phòng ngừa không để người khác sập “bẫy” của tín dụng đen.

4. Với tín dụng đen qua App, khi phát hiện App cho vay có dấu hiệu không tuân thủ theo cam kết vay, lật lọng và ép buộc người vay; App lật lọng về thời gian cho vay, về lãi suất, tự ý nâng lãi suất vay lên không cần sự đồng ý của bên người vay… thì người trót vay cần liên hệ đến những người thân, bạn bè để nhờ hỗ trợ và báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Ngọc Hoàng