Biện pháp phòng, tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em

122
Đánh giá bài viết

Hằng năm, khi bước vào mùa hè cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau cho gia đình và cộng đồng.

Đuối nước đã và đang trở thành vấn đề nóng, được xã hội hết sức quan tâm, là vấn đề xảy ra rất nhiều ở mọi lứa tuổi đặc biệt là trẻ em do không có các kỹ năng dưới nước hoặc do tai nạn bất ngờ. Vì vậy cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng tránh đuối nước.

Nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em

– Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do các em chưa có nhận thức và không có khả năng chủ động đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước, bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá, có các hành vi liều lĩnh, thích thể hiện bản thân.

– Trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng để đánh giá, nhận định các nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra đuối nước tại các môi trường như sông, hồ, ao, suối,… Nhiều trẻ em biết bơi, thậm chí bơi giỏi nhưng vẫn bị tử vong do đuối nước là do các em thiếu kiến thức, kỹ năng chủ động phòng tránh, không biết kỹ năng tự cứu và cứu đuối an toàn.

– Bố mẹ, người chăm trẻ và trẻ còn chủ quan thiếu sự giám sát đối với trẻ, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu.

– Môi trường sống xung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước,… không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước,… không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.

– Vào mùa hè, tiết trời nắng nóng nên nhu cầu tắm biển, sông, hồ, ao, suối tăng cao, thời gian này cũng là lúc trẻ em nghỉ hè nên hay rủ nhau đi tắm biển, sông, hồ, ao, suối không có người lớn đi cùng.

– Thiên tai bất ngờ, phương tiện thủy, các điều kiện cho trẻ em vui chơi tại môi trường nước chưa đảm bảo an toàn.

Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, hồ, ao, mương, máng, biển, sông, ngòi, hố nước của các công trình hoặc dụng cụ chứa nước (thùng, lu, chậu, bồn tắm,…).

Các biện pháp phòng tránh đuối nước ở trẻ em

1. Giám sát kỹ trẻ khi đi tắm biển, sông, hồ, ao, suối; không cho trẻ tự ý đi tắm biển, sông, hồ, ao, suối mà không có sự giám sát của người lớn; không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

2. Làm rào chắn quanh ao, hồ nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…). Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…).

3. Thường xuyên nhắc nhở trẻ em về các biện pháp phòng tránhđuối nước ở các tình huống thường gặp tại môi trường mà các em đang sinhsống. Chỉ bảo, hướng dẫn cho trẻ nhỏ, học sinh không chơi đùa với nước khikhông có sự giám sát của người lớn, dạy cho trẻ nhận biết những khu vực cónguy cơ bị đuối nước. Việc nhắc nhở, chỉ bảo này phải được thực hiện thườngxuyên, liên tục và kiên trì sẽ giúp cho các em dần hình thành ý thức, thóiquen tự bảo vệ bản thân.

4. Nên cho trẻ tham gia học các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi.

5. Luôn tuân thủ nguyên tắc an toàn khi lên, xuống các phương tiện giao thông đường thủy (đò, tàu, thuyền, ghe,…) theo hướng dẫn của chủ phương tiện hoặc bảng chỉ dẫn tại bến. Luôn ghi nhớ khi lên phương tiện giao thông đường thủy phải mặc áo phao và quan sát vị trí các thiết bị cứu sinh để chủ động sử dụng khi không may gặp sự cố.

6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông. Không di chuyển nhiều trên mặt nước, đặc biệt là vùng nước chảy xiết, sông lớn. Chú ý hơn đến việc trông nom, chăm sóc trẻ em để phòng tránh đuối nước tại nhà hoặc ở nơi sơ tán tránh lũ lụt. Sơ tán trẻ em đến nơi an toàn trong trường hợp cần thiết. Các bậc phụ huynh cũng nên trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước, cứu người bị đuối nước và các kỹ năng sơ cấp cứu.

Những kỹ năng xử lý khi gặp trẻ đuối nước

1. Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được tiến hành kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim. Tiến hành thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực theo cách như sau:

– Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay.

– Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).

Ảnh minh họa

2. Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ tới cơ sở y tế, cho đến khi tự thở lại được. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.

3. Nếu trẻ đã thở được, hãy đặt trẻ nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra, cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp lên người trẻ tấm khăn khô, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay cả khi trẻ có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.

Quốc Việt – PC07