Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các xã miền núi trên địa bàn huyện Bố Trạch

440
Đánh giá bài viết

Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.124,2 km2, dân số 45.495 hộ, 183.909 nhân khẩu; có 30 đơn vị hành chính (gồm 28 xã và 02 thị trấn; trong đó có 05 xã, thị trấn miền núi, 02 xã miền núi rẻo cao; 08 xã có đồng bào theo đạo Thiên chúa; 04 xã, thị trấn có người dân tộc ít người); 05 xã, thị trấn miền núi của huyện là xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch và thị trấn Nông trường Việt Trung; 02 xã miền núi rẻo cao là xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Khu vực này chiếm khoảng 48% diện tích tự nhiên và 5% dân số của toàn huyện; trong đó có 04 xã có đồng bào Công giáo; 04 xã, trị trấn có người dân tộc thiểu số sinh sống, với hai nhóm dân tộc người chủ yếu là nhóm người Bru Vân Kiều gồm: Người Vân Kiều sống chủ yếu tại 2 bản Khe Ngát thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung và bản Rào Con thuộc xã Sơn Trạch; người Ma Coong sống tập trung ở xã Thượng Trạch, giáp với nước bạn Lào với 100% đồng bào dân tộc thiểu số; nhóm người Chứt gồm các dân tộc Arem, Sách sống tập trung ở xã Tân Trạch… Còn lại là một số tộc người khác như Sách, Khùa, Trì, Karai, Mường… Đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, trình độ dân trí không đồng đều, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt vì thế mà điều kiện sinh sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Các xã, thị trấn miền núi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, có cửa khẩu quốc gia Cà Roòng – Noọng Ma với nước bạn Lào; đặc biệt trên địa bàn có Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới, có những địa danh du lịch nổi tiếng như động Phong Nha, động Thiên Đường, động Sơn Đoòng; nơi đây cũng có nhiều di tích lịch sử – tâm linh như Hang Tám Cô, ngầm Trạ Ang, đường 20 Quyết Thắng, tượng đài liệt sỹ Thanh niên xung phong… Đây là các địa bàn tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch.

Với những đặc điểm trên, xác định địa bàn các xã, thị trấn miền núi là địa bàn xung yếu chiến lược có vai trò, vị trí quan trọng về kinh tế – xã hội, nhất là về an ninh biên giới của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng toàn huyện. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm ANTT vùng miền núi, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, trong đó, tập trung đổi mới và đưa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các xã miền núi đi vào thực chất, phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định địa bàn, tạo tiền đề phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.      Trong những năm qua, tình hình ANCT, TTATXH ở các địa bàn xã, thị trấn miền núi cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp như một số linh mục cực đoan trong Công giáo lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số bà con có những lời lẽ nói xấu, kích động chống đối Đảng, Nhà nước ta; các loại tội phạm vận chuyển, buôn bán vật liệu nổ, pháo, ma túy qua biên giới đang còn nhiều; tình trạng người dân di cư trái phép sang Lào tiềm ẩn nhiều nguy hiểm… Trước tình hình đó cùng với những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo huyện, Công an huyện đã tập trung hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT và lực lượng Công an xã tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đổi mới và đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đến tận xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học ở miền núi.

Công an huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai xây dựng, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả nhiều loại mô hình và phong trào tự quản phù hợp với tình hình, đặc điểm các xã, thị trấn miền núi như: “Thôn văn hóa giao thông”, “Gia đình, dòng họ gương mẫu”, ở các xã có đồng bào Công giáo nhân rộng mô hình “Xứ họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”; “Làng không có ma túy”; trên tuyến biên giới Việt – Lào xây dựng mô hình “Đường biên giới an toàn, an ninh hữu nghị”, “Bản không có ma túy”; ở tất cả các khu dân cư đều có các tổ hòa giải, tổ nhóm ANND, liên gia tự quản. Đồng thời lồng ghép, kết hợp với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói, giảm nghèo”… góp phần nâng cao giác ngộ chính trị, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân; xây dựng được nhiều khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học an toàn; gia đình văn hóa; nâng cao đời sống của bà con góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Để phát động phong trào có hiệu quả, Công an huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền với những nội dung phù hợp và hình thức phong phú, theo đó các nội dung, yêu cầu, chỉ tiêu của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được tuyên truyền, phổ biến đến từng khu dân cư, thôn, bản và từng gia đình gắn với đặc điểm, tình hình của địa phương. Trọng tâm là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tội phạm, nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự hòa giải về ANTT ngay tại cơ sở, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các loại tệ nạn xã hội cho nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ tính mạng tài sản của mình và tham gia giữ gìn TTCC – TTATGT; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/ AIDS; thông qua các hình thức như: lồng ghép trong đợt triển khai kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, trong các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng nông thôn mới; tổ chức các buổi tọa đàm, gặp mặt, diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”… qua đó đã vận động được những người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia và vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào công giáo xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào.

Là địa bàn miền núi rẻo cao, người dân am hiểu và nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường dùng các loại vũ khí sót lại sau chiến tranh như súng, đạn hoặc súng tự chế… để săn bắt thú rừng gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến ANTT. Nhưng nhờ hiệu quả của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ mà ý thức chấp hành của người dân về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của người dân dược nâng lên… Cụ thể, Công an huyện luôn chú trọng tăng cường triển khai thực hiện pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ ở các địa bàn miền núi. Tổ chức cho tất cả hộ gia đình ký cam kết không tham gia sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loại pháo. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp VK-VLN-CCHT; điển hình trong năm 2017 đã mở 04 hội nghị tuyên truyền ở xã Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch với hơn 1000 người tham gia; nhân dân đã tự giác giao nộp 05 khẩu súng các loại, 38 dao kiếm; đã phát hiện đấu tranh 06 vụ tàng trữ, vận chuyển mua bán VK – VLN – CCHT và pháo; thu giữ 908 kg thuốc bom, 22 hộp pháo (loại 36 quả/hộp) với trọng lượng 29,8 kg, 74 hộp pháo diêm.

Nhờ làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ ở các địa bàn miền núi nên đã góp phần không để xảy ra đột xuất, bất ngờ về ANTT, kiềm chế và làm giảm tội phạm hình sự, tai nạn giao thông của địa phương. Tổng kết, phân loại phong trào năm 2017 trên toàn huyện có 22/30 xã, thị trấn (trong đó các xã, thị trấn miền núi đạt 100%); 22/26 CQDN, 79/82 nhà trường đạt chuẩn “An toàn về ANTT”;  có 01 tập thể nhân dân và cán bộ thị trấn được tặng Cờ thi đua xuất sắc của BCA, 01 tập thể nhân dân và cán bộ ở xã được BCA tặng Bằng khen; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 01 cá nhân; Giám đốc CA tỉnh tặng Giấy khen cho 05 tập thể và 05 cá nhân; UBND huyện tặng Giấy khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào toàn dân BVANTQ ở địa bàn miền núi vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, thiếu sót như: công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân có lúc, có nơi chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên; một số địa bàn, lĩnh vực chưa được triển khai sâu rộng như các xã Tân Trạch và Thượng Trạch; sự phối hợp triển khai thực hiện các Nghị quyết liên tịch, Kế hoạch liên ngành của một số cơ quan, ban, ngành chưa được chặt chẽ, cá biệt có đơn vị thiếu quan tâm nên hiệu quả phong trào ở một số lĩnh vực, địa bàn vùng xa chưa thực sự phát huy tác dụng.

Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế nêu trên trước hết là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào có lúc, có khi còn thiếu kịp thời; cấp uỷ, lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành chưa quan tâm xây dựng phong trào, còn có nhận thức cho đó là nhiệm vụ của lực lượng Công an; việc tổ chức thực hiện các phong trào chưa được thường xuyên; công tác phối hợp trao đổi thông tin, tình hình giữa các cơ quan, đơn vị và lực lượng Công an chưa chặt chẽ… nên dẫn tới trên một số mặt hiệu quả xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ chưa cao.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường, nước ta vẫn đứng trước nhiều tác động tổng hợp và phức tạp. Tình hình và bối cảnh trên sẽ tạo ra những thời cơ và thách thức đối với quá trình phát triển đất nước, tỉnh nói chung, huyện nhà nói riêng và sẽ có những tác động ảnh hưởng khó khăn nhất định tới nhiệm vụ bảo vệ ANTT, trong đó có công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở trên địa bàn, nhất là ở các địa bàn miền núi. Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các xã, thị trấn miền núi trong thời gian tới, chúng tôi đề ra một số giải pháp thực hiện như sau:       Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao cảnh giác cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch. Vận động toàn dân tham gia bảo vệ ANTT, bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản tập thể, tài sản nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các phong trào cách mạng của Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng và các tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở, phục vụ tốt cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và Kế hoạch của UBND huyện về thực hiện Chỉ thị 09/CT-TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư TW Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân BVANTQ trong tình hình mới”, đổi mới nội dung hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo hướng tự quản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, nhất là tính thiết thực, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của khu vực miền núi, theo hướng mở rộng xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức phong trào. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và phát huy hiệu quả các mô hình “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về ANTT’, “Xây dựng xã, thị trấn, CQDN, trường học “An toàn về ANTT”, không có ma tuý”, “Xây dựng thôn, xóm, bản, làng, khu dân cư văn hoá không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Hộ tự phòng, thôn, xóm tự quản”… lựa chọn, xây dựng những điểm sáng, những mô hình điển hình tiêu biểu để nhân rộng trên các vùng, các địa phương có đặc điểm tương đồng, thúc đẩy phong trào phát triển đa dạng, phong phú, có hiệu quả.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an với Quân sự, Biên phòng, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới… Tiếp tục tham mưu kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” ở các cấp, theo hướng tập trung, thống nhất, đảm bảo chỉ đạo và thực hiện một cách toàn diện, nhằm kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, giữa biện pháp vận động quần chúng với các biện pháp công tác khác của ngành Công an, giữa phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với tấn công trấn áp tội phạm, tạo khí thế, động lực khích lệ nhân dân tự giác, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Bốn là, để làm tốt công tác vận động quần chúng cùng với chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác ANTT ở cơ sở, cần quan tâm xây dựng lực lượng chiến lược bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhất là tiếp tục củng cố xây dựng CA xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ CQDN; tiếp xúc, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc trong tôn giáo trong bảo vệ ANTT. Chú trọng lựa chọn, đề xuất đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ; đề xuất quan tâm chế độ chính sách và trang bị phương tiện việc làm; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, là “hạt nhân” trong phong trào toàn dân BVANTQ.

Trung tá, Ths Nguyễn Hoàng Minh  

Phó Trưởng Công an huyện Bố Trạch