Giải pháp phòng cháy, chữa cháy đối với nhà để ở và nhà để ở kết hợp kinh doanh địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi

359
Đánh giá bài viết

Trong thời gian qua trên địa bàn toàn quốc tình hình cháy, nổ xảy ra đối với loại hình nhà để ở và nhà để ở kết hợp kinh doanh có chiều hướng gia tăng, làm nhiều người chết và bị thương, thiệt hại lớn đến tài sản của người dân. Tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 02 vụ cháy nhà để ở và nhà để ở kết hợp kinh doanh, điển hình là vụ cháy nhà ông Hồ Nội ở bản K-Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, hậu quả làm cháy hoàn toàn một căn nhà cấp IV.

Vụ cháy nhà ông Hồ Nội ở bản K-Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa

Qua công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với loại hình nhà để ở và nhà để ở kết hợp kinh doanh tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi nhận thấy công tác PCCC còn bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ như: Nhiều hộ gia đình câu mắc điện tuỳ tiện, chưa đảm bảo an toàn (dây dẫn điện không đảm bảo tiết diện, không có thiết bị bảo vệ, việc đấu nối dây dẫn điện không đúng kỹ thuật, …), các đường dây điện trong nhà bố trí chằng chịt, trong khi nhiều gia đình sử dụng thiết bị điện quá tải so với đường dây dẫn đến nguy cơ quá tải, chạm, chập điện, phát sinh cháy, nổ; đối với nhà sàn của đồng bào dân tộc chủ yếu được làm bằng nguyên vật liệu dễ cháy như gỗ, tre, lá cọ, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ và khi xảy ra cháy tốc độ lan truyền rất nhanh; nhiều hộ gia đình ở vùng nông thôn, miền núi còn dự trữ xăng, dầu phục vụ phương tiện đi lại, máy nông nghiệp, … tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ xảy ra.

Bên cạnh đó, đa số người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi chưa được trang bị kiến thức về PCCC, chưa có kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy, nổ, ý thức của người dân còn kém, không tuân thủ các quy định an toàn PCCC, còn chủ quan lơ là, không có các biện pháp phòng chống cháy, nổ kịp thời. Khi cháy sẽ bất lợi do không được trang bị phương tiện để chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy nên việc chữa cháy ban đầu không hiệu quả. Bên cạnh đó giao thông phục vụ chữa cháy ở những vùng này khá nhỏ hẹp, khoảng cách đến các Đội chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp xa nên khi lực lượng chữa cháy đến nơi thì cơ bản đã cháy hoàn toàn.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tuyên truyền, tặng bình chữa cháy

Để đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà để ở và nhà để ở kết hợp kinh doanh địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình khuyến cáo đến các chủ hộ gia đình như sau:

Một là: Chủ hộ gia đình cần chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH, đồng thời tuyên truyền, phổ biến đầy đủ cho các thành viên trong gia đình đều nắm được.

Hai là: Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy trong gia đình phải ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m. Không nên để xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản ở nơi thông thoáng; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Không buôn bán, tàng trữ trái phép pháo, pháo hoa nổ.

Ba là: Hệ thống điện cần được thiết kế, lắp đặt bảo đảm an toàn; phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện. Không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà. Không câu mắc điện tùy tiện. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn; không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.

Bốn là: Khi đun nấu, sưởi ấm phải quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; nếu dùng bếp gas phải kiểm tra toàn bộ hệ thống đảm bảo độ kín, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas; khi đun nấu phải có người trông coi, trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết.

Năm là: Không để các tài sản, vật tư dễ cháy gần nơi thờ cúng; trần phía trên bàn thờ phải được che chắn bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy và cách xa vật dễ cháy; hạn chế tối đa đồ vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Sáu là: Mỗi hộ gia đình cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3… ngoài cửa chính). Bên cạnh đó, nên trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên, mua dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy.

Bảy là: Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra. Sử dụng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay tại thời điểm ban đầu, ngăn chặn đám cháy phát triển quy mô lớn. Đồng thời báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình theo số điện thoại 114 (Lưu ý: sử dụng máy điện thoại bàn hay di động thì cũng chỉ gọi số 114, không cần bấm mã vùng) để được hướng dẫn.

Hoài Nam – PC07