Cuộc trốn chạy của “lâm tặc”

550
Đánh giá bài viết

Dù đã có lệnh cấm và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi nhiều lực lượng chức năng. Nhưng những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi nằm ngay trong vùng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. Vào cuối tháng 3-2019, từ nguồn thông tin nghiệp vụ và hồ sơ vụ việc từ Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chuyển đến Công an huyện Bố Trạch. Các đối tượng lâm tặc đã chặt hạ, khai thác trái phép 45 cây gỗ mun và 27 cây gỗ các loại, với khối lượng lên đến hơn 100m3 thuộc rừng đặc dụng là rừng tự nhiên tại tiểu khu 649 và 650 lâm phần Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa giới hành chính xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Những cây gỗ quý tại vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bị lâm tặc chặt hạ
Số gỗ được các lâm tặc bỏ lại hiện trường.

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đặc biệt là có dấu hiệu sự buông lỏng quản lý của một số lực lượng được giao trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu lực lượng Công an khẩn trương điều tra, làm rõ vụ phá rừng và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình đã giao cho Công an huyện Bố Trạch trực tiếp điều tra, làm rõ vụ án. Đại tá Đặng Văn Hoành – Trưởng Công an huyện Bố Trạch, Trưởng Ban chuyên án cho biết, xác định tính chất vụ án, đặc biệt là các đối tượng tham gia, chủ mưu, cầm đầu đã ngang nhiên phá rừng đặc dụng thuộc khu vực di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi có nhiều lực lượng cùng tham gia bảo vệ, Ban chỉ huy Công an huyện Bố Trạch đã quyết định lập chuyên án mang bí số 319K để đấu tranh.

Ban chuyên án, Công an huyện Bố Trạch họp chỉ đạo điều tra, khám phá án.

Hàng loạt biện pháp nghiệp vụ được triển khai. Ban chuyên án đã bố trí 3 tổ công tác gồm 20 đồng chí khẩn trương triển khai các nhiệm vụ như tiếp cận hiện trường, phối hợp các đơn vị liên quan xác minh làm rõ các đối tượng nghi vấn và lên kế hoạch gọi hỏi các đối tượng có liên quan để thu thập các nguồn thông tin. Cùng thời điểm lực lượng Công an tiến hành các hoạt động điều tra thì Ban chuyên án nhận được nhiều thông tin có đối tượng nghi vấn liên quan bỏ trốn, nhiều đối tượng liên kết thông đồng và thuê luật sư để tìm cách trốn tránh tội.

Trung tá Nguyễn Khắc Huy – Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Phó trưởng Ban chuyên án, cho biết, trước khi tiến hành triệu tập một số đối tượng khai thác rừng để làm việc thì 2 nghi can số một nằm trong tầm ngắm từ trước là Mai Văn Dinh (SN1970, trú tại thôn Cù Lạc 1, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) và Trần Văn Viên (SN1980, trú tại thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch), đã thuê luật sư tư vấn, nhằm chạy tội và can thiệp trốn tránh hành vi phạm tội. Đồng thời, nhóm đối tượng này tiếp tục có những thỏa thuận, giao kèo với nhóm thợ khai thác rừng để quá trình làm việc không khai báo với cơ quan điều tra các đối tượng chủ mưu.

Cuộc hội ý của những trinh sát tham gia đánh án.

Nhiều tài liệu mà cơ quan điều tra khẳng định các đối tượng chủ mưu đang tích cực có những hoạt động để kéo dài thời gian để đối phó với những hoạt động cơ quan điều tra, xóa dấu vết, chạy tội và thậm chí là lên kế hoạch lẩn trốn. Nhận định được thủ đoạn tiếp theo của các đối tượng, các mũi trinh sát tiếp tục bám sát mọi di biến động và thu thập thêm các chứng cứ và dùng nhiều biện pháp để triệu tập đối tượng tình nghi. Ban chuyên án liên tục hội ý nghiệp vụ trao đổi để đánh giá tình hình, thay đổi các biện pháp tiếp cận cũng như đưa ra các phương án câu, nhử kẻ chủ mưu xuất đầu lộ diện.

Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Mai Văn Dinh.

Điểm mấu chốt khi xác định được các đối tượng trong chuyên án để làm rõ, Ban chuyên án đã tập trung củng cố nguồn chứng cứ, tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng tình nghi, cầm đầu. Khi tiến hành đấu tranh với Mai Văn Dinh, đối tượng được nhận định là chủ mưu, cầm đầu trong vụ việc, đối tượng đã quanh co, ngụy biện tìm cách để chối tội và chỉ thừa nhận hành vi mua bán nên việc điều tra, mở rộng vụ án gặp rất nhiều khó khăn.

Một thông tin từ nguồn trinh sát báo về, qua công tác theo dõi đối tượng Trần Văn Hoan, mắt xích khá quan trọng để mở ra vụ án đã bỏ trốn khỏi địa phương. Một chi tiết khá bất thường là mẹ của đối tượng Hoan ốm nằm viện, gia đình đối tượng Hoan thông tin bà đã được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế, tuy nhiên thực tế mẹ của Hoan sử dụng thông tin của một người khác để điều trị tại bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Quảng Bình nhằm tránh sự chú ý, theo dõi của cơ quan chức năng.

Đối tượng Trần Văn Hoan.

Mắt xích quan trọng này lập tức được Ban chuyên án tập trung xác minh, sau nhiều ngày theo dõi các trinh sát đã bắt giữ Trần Văn Hoan khi đối tượng này đang thăm mẹ tại bệnh viện, trước sự bất ngờ của đối tượng. Cùng thời điểm, các trinh sát đã thu thập nhiều thông tin có giá trị. Đặc biệt là các thông tin thu được từ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh tâm lý đối với Lê Văn Trung, trưởng nhóm khai thác rừng.

Đối tượng Lê Văn Tung tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Trung khai, trong thời gian cơ quan điều tra tiếp cận hiện trường và tổ chức điều tra thì Dinh cho người kêu gọi anh em thợ rừng và nói là không được nói với cơ quan Công an để Dinh sắp xếp, lo việc.

Lần lượt các đối tượng có liên quan dần xuất đầu lộ diện, cùng với đó việc khẩn trương xác minh, làm rõ và triệu tập gấp rút được triển khai. Bên cạnh việc đấu tranh, khai thác nhanh thì Ban chuyên án đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Bình để đề nghị cấm xuất nóng với 25 đối tượng được xác định có liên quan. Ban chuyên án cũng đã chủ động phối hợp với các Đồn Biên phòng trong và ngoài tỉnh có biên giới để nắm tình hình, tuần tra ngăn chặn việc đối tượng có thể bỏ trốn bằng đường tiểu ngạch.

Các đối tượng liên quan trong vụ án.

Sau thời gian gấp rút thu thập, cũng cố tài liệu chứng cứ ngày 23/4/2019 Ban chuyên án quyết định phá án. Cùng một thời điểm Cơ quan điều tra Công an huyện Bố Trạch đã tiến hành bắt tạm giam 6 đối tượng gồm Mai Văn Dinh, Trần Văn Viên (SN1976), Lê Văn Trung, Trần Văn Hoan (SN1987), Nguyễn Văn Hùng (SN1985), Mai Văn Bình (SN1977), đều trú tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch và tiến hành làm rõ hành vi của 12 đối tượng liên quan khác đều trú tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Khi nói về kết quả chuyên án, Đại tá Đặng Văn Hoành cho biết, chuyên án thành công nhưng chúng tôi thấy rất đau lòng, bởi ý thức của người dân rất hạn chế, nhưng hành vi phạm tội của họ lại rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình ANTT mà gây nên những dư luận xấu đến địa phương, đến hình ảnh của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.

Lãnh đạo Công an tỉnh thưởng nóng Ban chuyên án.

Vụ án vẫn chưa có hồi kết, bởi câu hỏi đặt ra với dư luận có hay không sự tiếp tay cho những lâm tặc trong hàng loạt vụ phá rừng tại Quảng Bình diễn ra gần đây?. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt. Cuộc trốn chạy của những lâm tặc bất thành và cái giá phải trả bởi bản án nghiêm khắc từ pháp luật về hành vi phá rừng, tuy nhiên với cách quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của một số lực lượng được giao quản lý, bảo vệ rừng tại Quảng Bình trong thời gian gần khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về công tác bảo vệ rừng?.

Bài, ảnh:   Trần Tuấn