Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình sử dụng điện mùa nắng nóng

154
Đánh giá bài viết

Quảng Bình đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt đầu tiên của năm 2024 với nền nhiệt trung bình rất cao, dự báo cho một mùa nắng nóng đỉnh điểm sắp bắt đầu. Nắng nóng kéo dài sẽ dẫn đến việc tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao do phải sử dụng nhiều thiết bị làm mát như: Điều hòa, quạt gió,… Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở thời gian dài. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện, nguy cơ quá tải, sự cố chập mạch,… gây ra cháy, nổ đối với các thiết bị tiêu thụ điện và hệ thống đường dây dẫn điện cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ các thiết bị tiêu thụ điện và hệ thống đường dây dẫn điện, đặc biệt là trong thời điểm bước vào mùa nắng nóng kéo dài sắp tới, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình khuyến cáo:
1. Lắp đặt hệ thống điện bảo đảm đủ công suất tiêu thụ của các thiết bị, tiến hành nối đất an toàn theo quy định; có thiết bị bảo vệ, đóng cắt chung cho hệ thống đóng cắt riêng từng tầng, từng nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn. Bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà. Khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn phải lựa chọn dây dẫn cho phù hợp.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với Công ty Điện lực Quảng Bình kiểm tra an toàn PCCC tại các vị trí lắp đặt hệ thống điện có nguy cơ cháy, nổ cao 
2. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Phân bố các thiết bị tiêu thụ điện trên đường dây dẫn điện đảm bảo công suất truyền tải của dây dẫn để tránh hiện tượng quá tải gây cháy. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm, không cắm trực tiếp đầu dây điện vào ổ cắm; không sạc điện thoại, máy vi tính, xe đạp điện… qua đêm hoặc cắm sạc khi không có người ở nhà. Trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt nguồn điện tới các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng.
3. Không được câu móc điện tùy tiện, luồn dây điện qua mái nhà, mái tôn, không sử dụng giấy bạc hoặc dây kim loại thay thế cầu chì bị đứt, aptomat bị hỏng. Các mối nối phải chắc, gọn, so le, quấn băng cách điện hoặc nối bằng cầu đấu trong hộp nối cố định. Đảm bảo khoảng cách an toàn của các vật dụng, thiết bị làm bằng vật liệu dễ cháy trong nhà đến các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện (tối thiểu là 0,5m).
4. Tại khu vực có bảo quản, kinh doanh, sản xuất, sử dụng vật tư, hàng hóa, hóa chất dễ cháy phải sử dụng thiết bị điện là loại an toàn cháy, nổ; thiết bị tiêu thụ điện lắp đặt trong kho phải được khống chế chung bằng thiết bị đóng cắt tự động được đặt bên ngoài kho.
5. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu dao, cầu chì, công tắc, aptomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây dẫn điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn (dùng attomat bảo vệ có thông số phù hợp riêng cho từng phòng, cho từng thiết bị có công suất lớn như bình nóng lạnh, điều hòa…). Kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sử dụng điện để lâu ngày không hoạt động trước khi đưa vào sử dụng.
6. Mỗi hộ gia đình nên trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống để thoát nạn an toàn khi có cháy, nổ xảy ra. Trang bị tối thiểu một bình chữa cháy xách tay, các thiết bị cảnh báo cháy sớm, phổ biến cho mọi người trong gia đình cách sử dụng các phương tiện chữa cháy đã được trang bị để xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Phi Hùng – PC07