Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi cản trở, chống đối việc thi công dự án cáo tốc Bắc – Nam

267
Đánh giá bài viết
Việc UBND tỉnh Quảng Bình cấp mỏ khai thác cát theo cơ chế đặc thù của Chính phủ là nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu thi công dự án (DA) đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Do đó, việc xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác cát trên tuyến sông Son, thuộc địa bàn xã Hưng Trạch và Cự Nẫm (Bố Trạch) đã được tính toán kỹ lưỡng, khoa học và bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, đến nay khu vực mỏ này vẫn chưa thể khai thác được do một số người dân tại thôn Thanh Bình 2, xã Hưng Trạch có hành vi cản trở, hủy hoại tài sản, gây mất an ninh trật tự (ANTT), trong khi tiến độ thi công tại một số đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình đang cần nguồn cát đắp nền, khiến doanh nghiệp (DN) ở trạng thái “tiến thoái lưỡng nan”, trông chờ sự vào cuộc của lực lượng chức năng để giúp DN thực hiện đúng tiến độ DA.
Bức thiết về nguồn vật tư
Tại Quảng Bình, hiện có 42/43 giấy phép khai thác cát được cấp trước năm 2022, việc xác định trữ lượng, công suất tại thời điểm cấp phép cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng các công trình dân dụng và của cá nhân đơn lẻ trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cùng lúc triển khai nhiều công trình trọng điểm, có nhu cầu sử dụng cát lớn. Do thiếu nguồn cung, khan hiếm cục bộ, nhất là đối với cát xây dựng, nên nhiều trường hợp khai thác cầm chừng, đẩy giá cát tăng cao khoảng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2022.
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng cát của các DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam trên địa bàn tỉnh sẽ tạo áp lực rất lớn đối với nguồn cung cát. Nếu không đáp ứng được sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm, găm hàng, nâng giá, thậm chí tiềm ẩn hành vi vi phạm pháp luật, như: Sử dụng cát từ nguồn khai thác bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn mua cát san lấp để hợp lý hóa hồ sơ chất lượng các công trình…
Việc cấp mỏ khai thác cát theo cơ chế đặc thù đã được UBND tỉnh tính toán mọi phương án, đảm bảo an toàn và không gây tác động làm xói, lở bờ sông.
Đến nay, Ban Quản lý DA 6 và Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh đã chấp thuận 29 mỏ cát phục vụ 3 DA cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình với trữ lượng 6.250.135m3, công suất khai thác 381.529m3/năm. Riêng DA Vũng Áng-Bùng, hiện mới chấp thuận 4 mỏ cát phục vụ DA với tổng trữ lượng 477.027m3, công suất 33.000m3/năm, do đó không thể đáp ứng được nhu cầu theo tiến độ DA.
Chủ trương gỡ “nút thắt” nhằm bảo đảm nguồn vật liệu cho DA trọng điểm quốc gia, đường bộ cao tốc Bắc-Nam của Chính phủ cho phép các địa phương có cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ khai thác cát. Đây là chủ trương kịp thời, phù hợp với thực tiễn và giúp các địa phương, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình sẽ chủ động được nguồn cát, không để DA bị chậm tiến độ do thiếu cát đắp nền.
Trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, khoa học và phù hợp với tình hình địa phương, UBND tỉnh đã quyết định cấp vị trí mỏ khai thác để đơn vị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành tiến hành khai thác bằng phương pháp lộ thiên, trải dài trên diện tích 18,40ha (vị trí khai thác là các bãi bồi giữa dòng) thuộc tuyến sông Son (địa bàn xã Hưng Trạch và Cự Nẫm) nhằm bảo đảm nguồn cung cấp thiết cát đắp nền DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Sự phản ứng thái quá từ người dân
Trước khi cấp phép khai thác cát trên tuyến sông Son theo cơ chế đặc thù của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện Bố Trạch đã tiến hành khảo sát, tính toán và có giải pháp rất khoa học, phù hợp thực tế để vừa bảo đảm đúng quy định, nhu cầu sử dụng cát phục vụ DA, đặc biệt không gây tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương trong quá trình khai thác.
Cụ thể, để bảo đảm an toàn, UBND tỉnh yêu cầu DN được khai thác cát bằng phương pháp lộ thiên (tức dùng thuyền gắn máy để hút cát, với độ sâu 2,65m, tính từ bề mặt đáy sông Son). Chỉ cho phép khai thác vào ban ngày, cấm mọi hoạt động vào ban đêm và chỉ khai thác để làm vật liệu phục vụ cho DA; đồng thời yêu cầu DN phải cắm đầy đủ các mốc ranh giới mỏ và thực hiện khai thác đúng khối lượng, công suất và kế hoạch.
UBND tỉnh yêu cầu khai thác bằng phương pháp lộ thiên, vị trí khai thác nằm ở các bãi bồi giữa dòng sông sẽ vừa có được nguồn cát phục vụ dự án và vừa khơi thông được luồng lạch.
Với đặc thù của tuyến sông và tâm lý lo lắng của người dân địa phương, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu đơn vị khai thác nếu quá trình hút cát phát hiện có hiện tượng sạt lở bờ sông Son trong phạm vi mỏ, thì phải dừng ngay mọi hoạt động và báo cáo chính quyền địa phương cùng Sở Tài nguyên-Môi trường kiểm tra nguyên nhân, mức độ tác động đến bờ, lòng và bãi sông để báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Tuy nhiên, do một số người dân chưa hiểu rõ về lợi ích DA, các đối tượng chưa rõ động cơ, mục đích khác đã xúi giục, kích động người dân tại thôn Thanh Bình 2 có những phản ứng thái quá, gây cản trở và hủy hoại tại sản của đơn vị khai thác. Điển hình, ngày 24/2/2024, khi đơn vị được cấp mỏ (Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành) dùng xà lan để tiến hành khảo sát, chuẩn bị khai thác tại khu vực sông Son thuộc địa phận thôn Khương Hà 1, xã Hưng Trạch (vị trí được cấp phép khai thác theo cơ chế đặc thù) thì có một số người dân địa phương tụ tập, ngăn cản.
Đến ngày 27/3, khi đơn vị khai thác vận hành khai thác cát thì người dân tiếp tục kéo ra ngăn cản, phản đối và gây cản trở. Cụ thể, trường hợp bà Nguyễn Thị H. (SN 1995) và ông Nguyễn Văn N. (SN 1968), cùng trú tại thôn Thanh Bình 2, Hưng Trạch đã dùng dao đâm thủng, cắt ống cao su chuyên dùng để hút cát nhằm mục đích không cho các phương tiện khai thác. Sau khi Công an xã Hưng Trạch mời 2 trường hợp này về trụ sở để làm rõ về hành vi hủy hoại tài sản thì có khoảng 100 người dân, chủ yếu ở thôn Thanh Bình 2 tụ tập tại trụ sở UBND xã Hưng Trạch nhằm gây áp lực, ngăn cản lực lượng Công an xử lý 2 trường hợp trên. Sau khi vận động, giải thích thì số người dân này đã tự giải tán.
Cần lắm sự đồng thuận
Trao đổi với Trưởng thôn Khương Hà 1, xã Hưng Trạch Lê Xuân Tuyển về sự việc xảy ra, ông khẳng định, việc bà con tụ tập cản trở, gây áp lực và có hành vi hủy hoại tài sản như vậy là vi phạm pháp luật. Người dân nên hiểu đúng, hiểu đủ, bởi việc khai thác cát là để phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia, không phải để làm lợi cho DN. Chủ trương của Đảng, Nhà nước trưng dụng tài nguyên để phục vụ xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam mỗi người dân chúng tôi hết sức đồng thuận, cùng vì lợi ích chung, tuy nhiên vẫn còn một số người dân chưa hiểu rõ và nhiều lý do khác dẫn đến chưa đồng thuận. Do vậy, ngoài trách nhiệm của thôn và cấp ủy, chính quyền xã thì rất mong các ban, ngành chức năng cấp huyện, tỉnh cùng với địa phương để tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ lợi ích DA, trách nhiệm của người dân nhằm tạo sự đồng thuận để DA được hoàn thành đúng tiến độ.
Liên quan đến vụ việc xảy ra ngày 27/3, Công an huyện Bố Trạch đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh để đánh giá, xác định tính chất, mức độ và các phương án để xử lý với quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng hủy hoại tài sản, kích động, xúi giục chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Trước mắt, để bảo đảm ANTT, Công an huyện Bố Trạch chỉ đạo Công an xã Hưng Trạch phối hợp với đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh tiếp tục công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
DA đường bộ cao tốc Bắc-Nam với những cung đường xuyên núi, xuyên rừng, dọc bờ biển hay băng qua những vùng đất khô cằn của đất nước đang dần hiện ra, nối cả niềm tin và khát vọng của người dân Việt Nam từ mũi Cà Mau tới địa đầu phía bắc của Tổ quốc. Trong lợi ích chung đó, không thể tách rời những lợi ích mà chính người dân sẽ được thụ hưởng khi DA hoàn thành. Vì vậy, người dân cần đồng thuận, ủng hộ chủ trương khai thác vật liệu xây dựng phục vụ DA.
Lúc này, việc cần thiết và quan trọng nhất đó chính là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lợi ích của DA, tránh bị các đối tượng có động cơ, mục đích xấu lợi dụng; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng xúi giục, kích động người dân, chống đối, gây mất ANTT và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai DA trọng điểm quốc gia.

                                                            Minh Hoàng