Tách Luật giao thông đường bộ phải làm rõ ai chịu trách nhiệm

432
Đánh giá bài viết

“Ai là người chịu trách nhiệm đối với kết cấu hạ tầng, các vụ án tham nhũng trong xây dựng cao tốc, bớt xén quá trình xây dựng đường gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng vậy”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội nói.

Sáng 10/2, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trung tướng Đỗ Lê Chi, Cục trưởng V04, Bộ Công an chủ trì buổi hội thảo.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung quan trọng gồm: việc ban hành luật chuyên ngành về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý vững chắc; hai là hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn hiện nay.

Trung tướng Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Công an chủ trì hội thảo

Trong đó, các đại biểu nhà khoa học tập trung phân tích về việc tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các đại biểu cho rằng, việc tách luật phải phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đảm bảo phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ đó đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Ứng dụng công nghệ “rất minh bạch”

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an nhấn mạnh về tính cấp thiết việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể, theo ông Bình sau 13 năm thực hiện, Luật giao thông đường bộ phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ông Bình cho biết, có ba lĩnh vực khác nhau gồm an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Thời điểm ban hành luật giao thông nước ta chủ yếu là mô tô, xe máy, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế.

“Thống kê từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 360 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, chiếm 95% số vụ, số người chết, số người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông”, ông Bình dẫn chứng số liệu khi đề cập đến hoạt động giao thông đường bộ tác động trực tiếp đến quyền con người đó là bảo vệ tính mạng, tài sản khi đi lại.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT

Ngoài ra, ông Bình cho rằng việc phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành địa phương trong quản lý nhà nước phải rõ, cụ thể, xác định cơ quan chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về lĩnh vực được giao.

“Luật giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông  đường bộ dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ”, ông Bình nêu.

Đáng chú ý, Đại tá Bình đề cập đến các ý kiến cho rằng liệu có vấn đề lợi ích của đơn vị soạn thảo dự án Luật hay không? Ông khẳng định “không có lợi ích, trái lại việc soạn thảo hướng đến sự minh bạch”.

Trả lời VietNamNet bên lề hội thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình lý giải: “Sở dĩ tôi đề cập đến việc không có lợi ích bởi từ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đều được xã hội hóa nhiều hơn. Việc cưỡng chế thi hành chúng tôi ứng dụng công nghệ là chủ yếu. Đơn cử, việc cảnh sát khi thực hiện tuần tra kiểm soát buộc phải có camera giám sát thì lợi ích ở đâu?”, ông Bình nhấn mạnh.

Băn khoăn “ai chịu trách nhiệm”?

Tham luận tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, 2 Luật nêu trên được Bộ Công an trình Chính phủ. Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội. Tại kì họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 nhiều đại biểu đã cho ý kiến.

“Thời điểm trên, căn cứ lý luận và thực tiễn của dự thảo luật còn thiếu thuyết phục nên Quốc hội yêu cầu trả về cho Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và tính toán việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Gần một năm sau đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ có Nghị quyết đồng ý tách luật và giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và Bộ GTVT trực tiếp tham gia hoàn thiện dự thảo luật này”, Trung tướng Đức thông tin.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội

Trong phát biểu tham luận, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhiều lần nhấn mạnh về việc “ai là người chịu trách nhiệm” trước những bất cập về an toàn giao thông đang tồn tại hiện nay.

“Ai là người chịu trách nhiệm đối với kết cấu hạ tầng, các vụ án tham nhũng trong xây dựng cao tốc, bớt xén quá trình xây dựng đường gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng vậy.

Việc tồn tại các điểm đen giao thông, vậy tại sao có điểm đen, ai giải quyết. Đặc biệt, việc lái xe gây tai nạn liên tục, có trạng thái tâm thần, vẫn được cấp bằng, đổi bằng… thậm chí sử dụng bằng giả vẫn qua mắt lực lượng chức năng nhiều năm.  Câu hỏi ai chịu trách nhiệm đang là băn khoăn của các ĐBQH”, Trung tướng Đức nêu.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, việc tách luật đến nay không cần bàn cãi nữa, nhưng điều quan trọng là việc thực hiện tách luật phải được thực hiện chặt chẽ. Khi tách phải chuẩn nhất không bị trùng. Để làm được việc này, ông Đức nhận định đây là “việc rất khó”.

Đề cập đến những điểm mới trong quy định điều tra, giải quyết TNGT đường bộ trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Trung tướng Đức đề cập đến các yếu tố gồm tội danh và thẩm quyền điều tra.

Về thẩm quyền điều tra, ông Đức cho biết: “Để quy định này có tính khả thi cao, theo chúng tôi lực lượng CSGT phải tiếp tục hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, năng lực cán bộ với yêu cầu tinh nhuệ, hiện đại thống nhất với quy định phân cấp lực lượng theo quy định của Luật Công an nhân dân”.

Theo Đoàn Bổng
Vietnamnet.vn