Chú trọng giáo dục, cảm hóa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải tạo can phạm nhân ở Trại tạm giam Công an Quảng Bình

4927
Đánh giá bài viết

Trại tạm giam Công an Quảng Bình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý giam giữ can phạm nhân phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Những năm qua, trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, các đối tượng chống đối Đảng và Nhà nước ta đang tăng cường lợi dụng các vấn đề về nhân quyền và tôn giáo, để kích động chống phá đã tác động ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong 5 năm (2012-2017), đã có hơn 3.000 người có hành vi phạm tội bị bắt vào giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Trong đó, có nhiều đối tượng phức tạp, có tư tưởng tự sát, trốn trại, nghiện ma túy trước khi bị bắt (nhất là số nghiện ma tuý đá), cá biệt có đối tượng biểu hiện thần kinh không bình thường, nhiễm HIV/AIDS, bị bệnh lây nhiễm…đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, giam giữ; đặc biệt là số có tiền án, tái phạm, bản chất lưu manh, chuyên nghiệp, có tư tưởng chống đối, không thành khẩn khai báo…

Cán bộ trại tạm giam hướng dẫn thực hành định hướng dạy nghề cho phạm nhân

Xuất phát từ yêu cầu về công tác quản lý giam giữ can phạm nhân có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều tra, truy tố và xét xử người có hành vi phạm tội. Thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy đơn vị Trại tạm giam đã chỉ đạo triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ quản lý chặt chẽ can phạm nhân, bảo vệ Trại tạm giam an toàn. Biện pháp giáo dục, cảm hóa can phạm nhân được Trại tạm giam luôn chú trọng và có tác dụng rất lớn đối với công tác quản lý, giam giữ. Qua việc giáo dục thuyết phục, cảm hóa đã làm cho can phạm nhân có chuyển biến về tư tưởng, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, từ đó thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của bản thân và đồng phạm, chấp hành tốt nội quy Trại tạm giam. Để thực hiện có hiệu quả biện pháp giáo dục, cảm hóa can phạm nhân, Đơn vị đã quan tâm chỉ đạo làm tốt một số mặt như: Cán bộ quản giáo phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định về công tác giam giữ; đồng thời phải nắm rõ lịch sử bản thân của can phạm nhân cũng như hành vi phạm tội, tâm lý, tính cách, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ của can phạm nhân trước khi bị bắt…từ đó sử dụng biện pháp giáo dục thuyết phục phù hợp đối với từng người; thông qua công tác giáo dục, cảm hóa phải giúp cho can phạm nhận thấy được chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội và nắm được nội quy Trại tạm giam, quyền và nghĩa vụ của can phạm nhân để họ biết chấp hành; thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cảm hóa can phạm phân góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an toàn Trại tạm giam và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Từ đặc điểm, tính chất của người phạm tội, cho nên việc áp dụng biện pháp giáo dục, thuyết phục, cảm hóa can phạm nhân được cán bộ quản giáo kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ khác để quản lý an toàn các đối tượng giam giữ. Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát Trại tạm giam luôn lấy phương pháp “Cảm hoá” giáo dục là chính, lấy đạo đức, nhân văn để giáo dục, thuyết phục can phạm nhân, làm được điều đó vô cùng khó khăn, đòi hỏi cán bộ chiến sỹ phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, biết hy sinh, rộng lượng, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm. Trong công việc, cán bộ quản giáo phải luôn công bằng, dân chủ, quan tâm đến tư tưởng, hoàn cảnh gia đình của từng can phạm nhân; giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong, có thái độ ứng xử đúng mực, nghiêm túc, kiên quyết trong khi thi hành nhiệm vụ.

Cán bộ quản giáo Trại tạm giam đã tổ chức trên 900 lượt giáo dục chung và trên 5.000 lượt giáo dục riêng đối với can phạm nhân. Kết quả thông qua biện pháp giáo dục thuyết phục đối với người phạm tội đã tác động đến tâm lý, tình cảm, động viên họ thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của bản thân và của đồng bọn; đã làm cho can phạm nhân nhận thức và chấp hành tốt nội quy, quy chế, nhằm hạn chế các vi phạm nội quy, chống phá, trốn, tự sát hoặc các tiêu cực khác góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn Trại tạm giam; đặc biệt thời gian từ năm 2012 – 2017, thông qua công tác giáo dục, cảm hóa đã giúp hàng chục can phạm nhân từ bỏ ý định tự sát và ngăn chặn hàng chục đối tượng có ý định trốn khỏi nơi giam giữ. Mặt khác, qua công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân đã tố giác những hành vi phạm tội của đồng phạm nhằm giúp Cơ quan điều tra khai thác, mở rộng nhiều vụ án.

Cùng với việc tăng cường các biện pháp giáo dục, cảm hóa can phạm nhân, Trại tạm giam đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ đối với can phạm nhân, không để xảy ra trường hợp xâm phạm đến tính mạng, nhân phẩm, sức khoẻ, không để can phạm nhân ốm đau, suy kiệt ở trong Trại. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe đối với can phạm nhân; những can phạm nhân bị bệnh, nhiễm HIV/AIDS, bị thương tích được Trại tạm giam khám, điều trị hoặc chuyển viện tuyến trên kịp thời khi vượt quá khả năng; tổ chức cai nghiện cho số đối tượng nghiện ma tuý trước khi bị bắt. Cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam không phân biệt đối xử khi can phạm nhân ốm đau, bị bệnh lây nhiễm… nhờ đó đã có tác dụng giúp can phạm nhân quyết tâm vượt qua bệnh tật, chấp hành tốt nội quy giam giữ và yên tâm lao động, cải tạo, từ đó hiệu quả công tác giáo dục, cảm hóa ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, việc quan hệ phối hợp đối với các đơn vị nghiệp vụ, nhất là Cơ quan điều tra trong việc trao đổi thông tin, tâm lý, diễn biến tư tưởng của can phạm nhân cũng được Trại tạm giam đặc biệt chú trọng trong công tác quản lý, giáo dục cảm hóa can phạm nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại đó là: Chưa có văn bản hướng dẫn chuyên sâu về công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân; đội ngũ cán bộ quản giáo đảm nhận công tác giáo dục trình độ, kỹ năng sư phạm còn hạn chế, nên việc truyền đạt giáo dục thuyết phục đối với can phạm nhân hiệu quả còn thấp; chưa chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, cảm hóa phù hợp với tâm lý, độ tuổi của can phạm nhân. Bên cạnh đó, đối tượng bị bắt vào Trại tạm giam phần lớn là trình độ văn hóa thấp, nhiều người có tiền án, tiền sự, bản chất côn đồ, số có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mức án cao, đang mắc một số bệnh hoặc đang bị nhiễm HIV/AIDS… nên có biểu hiện tư tưởng bất mãn, không chấp hành sự giáo dục, nhắc nhở của cán bộ quản giáo, nhất là số đối tượng có sử dụng ma túy trước khi bị bắt, khi các đối tượng lên cơn nghiện, thậm chí có biểu hiện “Ngáo đá”, Trại tạm giam tổ chức cai nghiện trong điều kiện không có thuốc cai nghiện, thường phải mất thời gian từ một đến hai tháng các đối tượng đó mới ổn định. Vì vậy, công tác giáo dục, cảm hóa đối với số đối tượng này gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân góp phần bảo vệ an toàn Trại tạm giam và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Thứ nhất, đề nghị bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật về công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân nhằm tạo hành lang pháp lý và việc tổ chức thực hiện công tác giáo dục đảm bảo có hệ thống.

Thứ hai, cán bộ, chiến sĩ đảm nhận công tác quản lý, giáo dục can phạm nhân cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giáo dục, cảm hóa đối với việc quản lý can phạm nhân và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phải nêu cao trách nhiệm trên các lĩnh vực công tác của Trại tạm giam. Cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên nghiên cứu học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, luôn rút ra bài học kinh nghiệm từ công tác giáo dục can phạm nhân để không ngừng nâng cao hiệu quả biện pháp giáo dục, cảm hóa đối với can phạm nhân.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Trại tạm giam trực tiếp quản lý, giáo dục can phạm nhân cần được quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về việc đào tạo, bồi dưỡng hoặc được các giảng viên chuyên ngành tâm lý bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng sư phạm; được tham gia các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác giáo dục giữa Trại tạm giam Công an tỉnh và Trại tạm giam các tỉnh bạn.

Thứ tư, tăng cường công tác quan hệ phối hợp với các đơn vị, cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội trong công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân; đặc biệt là phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về diễn biến tư tưởng của can phạm nhân với các Cơ quan thụ lý vụ án và thân nhân gia đình can phạm nhân để nắm thêm các đặc điểm tâm lý, tính cách, lai lịch, hoàn cảnh gia đình…từ đó cán bộ, chiến sỹ có cơ sở đưa ra các nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng.

Thứ năm, cùng với biện pháp giáo dục, cần đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với can phạm nhân, thực hiện tốt các quy chế dân chủ trong giam giữ, đặc biệt là đảm bảo quyền và nghĩa vụ của can phạm nhân được pháp luật quy định, nhằm đưa công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân đạt kết quả tốt.

Thứ sáu, tăng cường các biện pháp giáo dục chung, giáo dục riêng, giáo dục cá biệt đối với can phạm nhân; kết hợp tốt các biện pháp nghiệp vụ, để áp dụng có hiệu quả biện pháp giáo dục, cảm hóa can phạm nhân; thông qua công tác giáo dục thường xuyên khích lệ, động viên, khen thưởng kịp thời những can phạm nhân có chuyển biến tốt, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy Trại tạm giam và đề nghị khen thưởng đối với cán bộ, chiến sỹ lập thành tích trong công tác giáo dục, cảm hóa can phạm nhân; đồng thời chấn chỉnh, phê bình, ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của can phạm nhân, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn Trại và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trung tá, Ths Trần Đình Kỷ

Đội trưởng Trại tạm giam