Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trong tình hình hiện nay

6608
Đánh giá bài viết

Năm 2012 trở về trước tình hình mua bán, sử dụng ma túy ở địa bàn Quảng Bình chủ yếu là Hêrôin, đây là loại ma túy bán tổng hợp điều chế ma túy có nguồn gốc từ nhựa thuốc phiện, đến năm 2013, xuất hiện thêm nhiều loại ma túy tổng hợp như Hồng phiến (ký hiệu WY); ma túy dạng đá (Methamphetamine), cần sa (Có nguồn gốc từ cây thảo mộc). Năm 2014, xuất hiện thêm loại ma túy mới “Cỏ mặt quỷ”, “Nước mặt quỷ” tồn tại dưới dạng thảo mộc và dạng nước được đóng gói như dầu gội đầu có công thức hóa học là XLR-11 (5-Flouro-U-144), từ cuối năm 2015 đến những tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm hai loại ma túy: Ketamine (Tồn tại dưới dạng đá và dạng bột); ma túy tồn tại dưới dạng thảo mộc nghi là “Cỏ khát” có chứa chất Cathinone…

Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp chủ yếu ở các địa bàn: Thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch, Quảng Ninh. Đối tượng sử dụng, mua bán chuyển đổi từ Hêrôin có tác động an thần đối với hệ thần kinh sang ma túy tổng hợp và các dạng ma túy có nguồn gốc thảo mộc kích thích, tác động ảnh hưởng thần kinh vận động và gây hoang tưởng, ảo giác gấp hàng chục, hàng trăm lần so với sử dụng Hêrôin. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy ngày càng tinh vi; nhiều đối tượng sử dụng hung khí, vũ khí quân dụng trong quá trình thực hiện hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Quy mô hoạt động ngày càng rộng, nhiều đối tượng móc nối “Lấy hàng” ở nước bạn Lào về Việt Nam tiêu thụ (Năm 2011 bắt xử lý 02 vụ/06 đối tượng; năm 2012: 01 vụ/01 đối tượng; năm 2013: 02 vụ/2 đối tượng; năm 2014: 07 vụ/09 đối tượng; năm 2015: 8 vụ/12 đối tượng; từ tháng 11/2015 đến nay (tháng 9/2016) đã bắt xử lý 08 vụ/11 đối tượng). Trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2011 đã phát hiện bắt giữ 53 vụ/87 đối tượng; năm 2012 phát hiện bắt giữ 62 vụ/100 đối tượng; năm 2013 phát hiện bắt giữ 47 vụ/79 đối tượng; năm 2014 phát hiện bắt giữ 56 vụ/110 đối tượng; năm 2015 phát hiện bắt giữ 56 vụ/88 đối tượng; 6 tháng đầu năm 2016: phát hiện bắt giữ 32 vụ/98 đối tượng.

Đối tượng tù tha các tội danh về ma túy (Thống kê giai đoạn từ tháng 11/2013 đến 5/2016) có 153 đối tượng, trong đó số có công ăn việc làm 37 đối tượng, chiếm tỷ lệ 24,2%; số không có công ăn việc làm 116 đối tượng, chiếm tỷ lệ 75,8%. Trong số này, nằm trong diện quản lý nghiệp vụ có 85 đối tượng, đều có biểu hiện mua bán trái phép chất ma túy. Đối tượng, địa bàn liên quan ma túy tăng nhanh, bình quân 2,88 xã, phường, thị trấn và hơn 201 đối tượng liên quan ma túy trên 01 năm. Đến tháng 6/2016 tỉnh ta có 128/159 xã, phường, thị trấn và 2348 đối tượng liên quan ma túy. Ước tính số đối tượng sử dụng ma túy ở mức khoảng 01 tép Hêrôin (Khoảng bằng hạt gạo) có giá 400.000đ/01 đối tượng/01 ngày thì lượng tiền tiêu tốn về sử dụng ma túy khoảng 1.000.000.000 đồng/ 01 ngày, đó là chưa kể hiện nay đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp tăng lên, chi phí lớn hơn, vài triệu đồng/1 ngày và đối tượng ẩn chưa rà soát hết chiếm tỷ lệ ở mức khiêm tốn là 40% thì mức thất thoát tiền trong 1 ngày trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khoảng hơn 1,3 tỷ đồng.

Thực trạng tình hình trên xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau: Do nhận thức, trình độ dân trí của một số người dân còn thấp, mơ hồ về ma túy và hiểm họa của ma túy, cho rằng việc sử dụng ma túy tổng hợp không nghiện và bao biện cho nhu cầu hưởng lạc của mình nhất là lớp trẻ… vì vậy, đối tượng sử dụng và địa bàn liên quan ma túy hàng năm tăng. Công tác đấu tranh phòng, chống ma túy chưa huy động được sức mạnh của toàn xã hội; hiệu quả công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội còn hạn chế. Công tác tuyên truyền về hậu quả tác hại, pháp luật về phòng, chống ma túy chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa phong phú. Công tác cai nghiện hay hiểu theo một nội hàm khác là công tác chặn Cầu (Giảm đầu vào của đối tượng sử dụng) còn kém (Cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện). Tỉnh ta hiện có một số cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện mà chưa có phác đồ điều trị các chất ma túy tổng hợp; cơ sở vật chất còn thiếu, phương tiện y tế, bác sỹ chuyên khoa, thiết bị kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu cai nghiện ma túy các loại, trong lúc đối tượng sử dụng dần chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp; công tác tư vấn hỗ trợ về ma túy, điều trị cắt cơn giải độc theo Quyết định số 2596/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2013, 7/8 địa phương cấp huyện chưa thực hiện được. Công tác phối hợp phòng, chống ma túy giữa các lực lượng liên quan mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn bộc lộ những khiếm khuyết, chưa đảm bảo yếu tố tập trung, thống nhất. Việc xác định các nguyên nhân, điều kiện, phát sinh, phát triển của tội phạm và tệ nạn ma túy ở từng thời điểm, từng địa bàn, phát hiện sơ hở thiếu sót trong quản lý Nhà nước về ANTT còn chậm; quản lý đối tượng lưu động, ngoại tỉnh còn hạn chế; công tác nắm tình hình tầm xa (Tuyến biên giới và địa bàn Khămmuộn – Lào) thiếu chủ động. Chưa thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết các chuyên đề, đào tạo đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu trên lĩnh vực phòng, chống ma túy; kinh phí, phương tiện kỹ thuật, trang bị công cụ chiến đấu còn thiếu…

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, chúng tôi tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Chủ động nắm tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống ma túy. Qua công tác nắm tình hình phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước về ANTT liên quan đến phòng, chống ma túy để kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục.

2. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy; kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy cho đội ngũ cán bộ cốt cán ở cơ sở và quần chúng nhân dân, nhất là học sinh THCS, THPT để chủ động phòng ngừa và nhân rộng hình thức cá nhân tuyên truyền ngăn chặn nguyên nhân, điều kiện phát triển của tội phạm, tệ nạn ma túy. Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ và nội dung tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Công an các huyện, thị xã, thành phố.

3. Tích cực thực hiện các biện pháp rà soát, thống kê danh sách, lập hồ sơ quản lý người nghiện; phát hiện lập hồ sơ xử lý hành chính, giáo dục đối tượng tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 111/CP ngày 30/9/2013, đưa người vào cơ sở chữa bệnh – Cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ. Tích cực vận động quần chúng nhân dân và người nghiện thực hiện việc cai nghiện tự nguyện theo Nghị định 94/CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ, qua đó nhằm góp phần “Chặn cầu” để “Giảm cung” ma túy trên địa bàn.

Tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng; tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về tư vấn điều trị nghiện; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và điều trị nghiện.

4. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy của Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong phòng ngừa và đấu tranh. Nêu cao vai trò chủ công trong công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác điều tra ban đầu đối với các vụ án ma túy của lực lượng Công an. Chủ động thống nhất các kế hoạch, biện pháp đấu tranh bắt giữ, xử lý những đối tượng ma túy trọng điểm, đối tượng nghi vấn phạm tội ma túy thường xuyên qua lại biên giới Việt – Lào. Phối hợp với các ban ngành liên quan trong công tác phòng, chống ma túy trên tuyến hàng không, trên tuyến biển, tuyến đường sắt, tuyến đường bộ; lĩnh vực kinh doanh hóa dược nhằm phòng ngừa các hành vi sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp.

5. Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết các chuyên đề, đấu tranh vụ án, chuyên án lớn, nhằm đúc rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, bản lĩnh chiến đấu với tội phạm về ma túy. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cấp trên lựa chọn bổ sung lực lượng CBCS chuyên trách trinh sát và điều tra viên, nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống ma túy trước mắt và lâu dài.

                                                           Thượng tá Võ Anh Minh                      

Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy