NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PCCC TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BỐ TRẠCH

835
Đánh giá bài viết

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng và Chính quyền cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch đạt được những kết quả tích cực; hiệu lực, hiệu quả, quản lý Nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC được tăng cường; phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng phát triển sâu rộng; lực lượng PCCC từng bước được kiện toàn về tổ chức, bộ máy và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện do đó tình hình cháy, nổ được kiềm chế. Kết quả đó đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 570 cơ sở quản lý về PCCC. Trong đó có 170 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (Nhà nghỉ, khách sạn), 105 cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (gas), 60 cơ sở kinh doanh karaoke, 16 chợ, 88 trường học. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như  2 kho cảng xăng dầu tại Bắc Trạch và Hạ Trạch, 29 cửa hàng xăng dầu, 10 tàu bán dầu diezen, 02 kho vật liệu nổ. Bên cạnh đó, Bố Trạch là huyện có diện tích đất rừng lớn với 171,485 ha đất lâm nghiệp nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay (6/2017) trên địa bàn huyện Bố Trạch đã xảy ra 43 vụ cháy, thiệt hại tài sản hơn 6 tỷ đồng và 18,6 ha rừng. Chỉ tính từ ngày 15/01/2016 đến nay, đã xảy ra 06 vụ cháy, trong đó có 01 vụ cháy chợ, 01 vụ cháy cơ sở sản xuất, 01 vụ cháy tại trụ sở cơ quan làm việc, 01 vụ cháy xe, 01 vụ cháy nhà dân, 01 vụ cháy rừng. Điển hình như vụ cháy xưởng mộc của ông Dương Thế Anh ở thôn 7A, xã Đồng Trạch ngày 04/8/2016 gây thiệt hại tài sản khoảng 150 triệu đồng; vụ cháy rừng tại thôn 7, xã Bắc Trạch ngày 10/9/2016 gây thiệt hại ước tính 2,2 ha rừng thông; vụ cháy nhà anh Nguyễn Kiều Hưng tại xã Hòa Trạch ngày 01/01/2017 làm 01 người chết và thiệt hại tài sản khoảng 10 triệu đồng.

Đa số các vụ cháy xảy ra vào ban đêm, ngoài giờ hoạt động của chợ, các cơ sở sản xuất, vào mùa nắng nóng, hanh khô. Nguyên nhân các vụ cháy đều do sự bất cẩn hay ý thức chủ quan và đơn giản của người dân trong sinh hoạt hằng ngày như sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng do sơ suất bất cẩn gây cháy, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC; một số nguyên nhân khách quan khác do sự cố hệ thống điện… Ngoài ra, do sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của người dân, người kinh doanh buôn bán trong chợ, người trực tiếp sản xuất các mặt hàng trong các cơ sở sản xuất; nhiều cơ quan chủ quan, ban quản lý chợ, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, còn thiếu sự quan tâm hoặc coi nhẹ công tác PCCC, thậm chí có nơi còn cố tình vi phạm quy định về PCCC, có thái độ phó mặc cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Việc đầu tư, trang bị phương tiện PCCC theo quy chuẩn đối với các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ… còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho hoạt động này chưa được tính toán, trang cấp đúng mức… Các lực lượng chức năng trong công tác PCCC chưa thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các vi phạm, tồn tại thiếu sót về PCCC; công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC chưa được tổ chức thường xuyên; lực lượng PCCC, dân phòng chưa hoạt động hiệu quả, chưa phát huy được tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trong PCCC, nên khi xảy ra cháy thường ứng phó xử lý chậm, gây thiệt hại lớn về tài sản…

Trước tình hình đó, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra, thời gian tới, chúng tôi tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 1634/CT-TTg, ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC & CNCH và Công điện số 967/CĐ-TTg, ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Quyết định số 1110/QĐ-TTg, ngày 17/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg, ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy nhằm xây dựng lực lượng PCCC đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hai là, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an huyện cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của địa phương tích cực, chủ động tham mưu với UBND huyện Bố Trạch đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân tham gia PCCC, thực hiện tốt chủ trương xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về PCCC, nghiên cứu áp dụng, nhân rộng những mô hình tiêu biểu có hiệu quả trong PCCC, kịp thời có những biện pháp nhằm đảm bảo an toàn PCCC nói chung và đảm bảo an toàn PCCC đối với các chợ. Hằng năm, tổ chức tốt các hoạt động PCCC hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC – 4/10” và “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ”.

Ba là, phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC đến từng tổ, đội, các bộ phận, phòng, ban trong từng đơn vị, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động để mọi người nắm được những kiến thức cơ bản về công tác PCCC và phòng ngừa chính nơi mình ở, nơi làm việc, ứng xử nhanh khi có sự cố cháy xảy ra.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, chợ và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay các sai phạm, sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân gây ra cháy lan, cháy lớn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Trọng tâm là công tác PCCC tại các cơ quan ban ngành của Đảng và Chính quyền các cấp, các cơ quan, xí nghiệp, chợ, các cụm dân cư, các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người và PCCC rừng; coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra cả về ý thức, trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức đánh giá hiệu quả công tác của cán bộ kiểm tra nhằm phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra.

Năm là, tham mưu cho UBND huyện có những quy định, kế hoạch cụ thể để chỉ đạo UBND xã, thị trấn tăng cường thực hiện và duy trì điều kiện an toàn PCCC theo các quy định; đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; trang bị đầy đủ các hệ thống, phương tiện PCCC; thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định và tuyên truyền, vận động các cơ sở có nguy cơ cháy nổ mua bảo hiểm cháy, nổ đối với hàng hóa của mình để đảm bảo quyền lợi cho chính mình khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

           Sáu là, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phát hiện sớm bằng công nghệ và con người, xử lý nhanh, kịp thời những đám cháy từ khi mới xảy ra cháy. Do vậy, việc xây dựng lực lượng tại chỗ cần được đặc biệt coi trọng và cần có những chính sách phù hợp đối với lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở để họ phát huy tốt nhất trong công tác PCCC tại chỗ. 

Thượng tá, Ths Lê Văn Hóa       

Phó trưởng Công an huyện Bố Trạch