Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm ở địa bàn nông thôn huyện Quảng Trạch

2026
Đánh giá bài viết

Trong những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn nông thôn, huyện Quảng Trạch có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài những vấn đề phức tạp về an ninh, tôn giáo, an ninh nông thôn… thì tình hình tội phạm trên địa bàn cũng có nhiều diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, táo bạo, trắng trợn, manh động và liều lĩnh, nổi lên chủ yếu là các loại tội phạm cướp, cướp giật, hủy hoại, trộm cắp tài sản, đánh bạc, cố ý gây thương tích… Đặc biệt, trước, trong và sau mùa Wold Cup 2018, tình hình trộm cắp tài sản diễn biến phức tạp hơn và có chiều hướng gia tăng. Trong 8 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện xảy ra 36 vụ, làm bị thương 04 người, thiệt hại tài sản lên đến 418.040.000 đồng. Trong đó, trộm cắp tài sản xảy ra 17 vụ (chiếm 47,2%), cướp tài sản xảy ra 02 vụ (chiếm 5,6%), đánh bạc xảy ra 04 vụ (chiếm 11,1%), cố ý gây thương tích xảy ra 09 vụ (chiếm 25,0%)…

Nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là, mất cảnh giác của những người có tài sản, tình hình cá độ bóng đá, nợ nần và nhu cầu sử dụng ma túy của các đối tượng ngày càng tăng cao, mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai, trong sinh hoạt hàng ngày, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhân dân ở địa bàn nông thôn… dẫn đến tình hình tội phạm nói chung và tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng ở địa bàn nông thôn ngày càng phức tạp. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước (QLNN) trên một số lĩnh vực, như: Quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý cư trú… vẫn còn nhiều “kẽ hở” đã tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật; trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở địa bàn nông thôn đang gặp không ít khó khăn, một số vụ việc xảy ra một thời gian dài thì người bị hại mới biết và tố giác với cơ quan chức năng; một số chính quyền địa phương và các Ban ngành, đoàn thể ở cơ sở chưa xác định đúng vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) nói chung và phòng ngừa tội phạm ở địa bàn nông thôn nói riêng. Còn nặng về tư tưởng cho rằng, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm là của riêng lực lượng Công an dẫn đến kết quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ở địa bàn nông thôn còn nhiều hạn chế; nhiều lúc còn mang nặng tính hình thức, chưa có chiều sâu, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ở cơ sở, dẫn đến thực trạng tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số đối tượng…

Bên cạnh đó, lực lượng Công an huyện còn mỏng, trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ cao, ý thức, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, chiến sĩ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa với các loại tội phạm chưa được nâng lên ngang tầm với tình hình mới; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chưa được trang cấp đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm ở địa bàn nông thôn.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm ở địa bàn nông thôn, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể và của mọi tầng lớp nhân dân ở địa bàn cơ sở. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác QLNN, quản lý xã hội mà trực tiếp là QLNN trong lĩnh vực ANTT ở địa bàn nông thôn… để có cơ sở phân tích, đánh giá và làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương ban hành chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân, điều kiện hoạt động của các loại tội phạm.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân trên địa bàn nông thôn về tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ tài sản, những phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của tội phạm, những sơ hở, thiếu sót và những đối tượng mà tội phạm hướng đến. Đồng thời, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phát hiện và tố giác tội phạm.

Ba là, chính quyền địa phương và các Ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở cần xác định đúng vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ ANTT nói chung và hoạt động phòng ngừa tội phạm ở địa bàn nông thôn nói riêng. Huy động được tối đa sức mạnh của toàn hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở địa bàn nông thôn. Củng cố và xây dựng các mô hình tự quản về ANTT ở địa bàn nông thôn, phát động mạnh mẽ phong trào “tự phòng”, “tự quản”, “tự bảo vệ” và thành lập mới các tổ dân phòng, tự quản ở địa bàn thôn, xóm làm cơ sở cho việc tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát một cách thường xuyên và đột xuất tại các tụ điểm phức tạp về ANTT vào thời gian cao điểm nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ các đối tượng và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả, tác hại của tội phạm xảy ra trên địa bàn.

Bốn là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ của ngành Công an. Làm tốt công tác thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình ở địa bàn nông thôn; triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch công tác Công an trong đảm bảo ANTT ở địa bàn nông thôn.

Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an trong công tác PCTP, bảo đảm TTATXH, nhất là Chỉ thị số 48-CT/TW, Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTP; Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới và các Chương trình quốc gia PCTP ở địa bàn nông thôn. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của khâu tổ chức thực hiện; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá những ưu, nhược điểm, những khó khăn, vướng mắc kịp thời đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Sáu là, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nghiệp vụ Công an huyện, Ban Công an các xã và các lực lượng làm công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở, chủ động phát hiện các đối tượng có biểu hiện câu kết, móc nối hình thành đường dây, ổ nhóm hoạt động phạm tội ở địa bàn nông thôn để kịp thời có đối sách và biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, hạn chế tối đa hậu quả, tác hại mà chúng gây ra trên địa bàn; tăng cường trao đổi thông tin giữa các Ban ngành, đoàn thể và các cơ quan chức năng trong đấu tranh với các loại tội phạm ở địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng và hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an huyện với Viện kiểm sát và Tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt là trong việc phối hợp trong việc đưa ra và xét xử công khai những vụ án điển hình nhằm giáo dục, răn đe quần chúng nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh PCTP ở địa bàn huyện nói chung và địa bàn nơi cư trú nói riêng.

Bảy là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ; tăng cường trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ… phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ANQP cho cán bộ và nhân dân nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả, hạn chế sự gia tăng của tội phạm và vi phạm pháp luật ở địa bàn nông thôn.

Trung tá, Đinh Xuân Phong          

Phó Trưởng Công an huyện Quảng Trạch