Nâng cao vai trò lực lượng Công an trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

2977
Đánh giá bài viết

Phòng, chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta; từ các nhiệm kỳ Đại hội trước, Đảng ta xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội cần tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2012 là hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã tăng cường chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng từ đầu năm đến nay; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống tham nhũng, như là: Chương trình phòng, chống tham nhũng năm 2018, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng trong Công an tỉnh….

Lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội; tập trung tuyên truyền, quán triệt Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, như: Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường tuyên truyền đối với các tầng lớp dân cư; nhân rộng điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng. Công an tỉnh đưa vào chương trình, kế hoạch công tác nội dung đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Bên cạnh công tác phòng ngừa xã hội, đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, tập trung nắm tình hình, rà soát các địa bàn, quản lý các đối tượng; tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có các biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót, góp phần hạn chế và đi đến triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm, không để tội phạm tham nhũng lợi dụng hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, Cơ quan điều tra 2 cấp thuộc Công an tỉnh đã thụ lý, điều tra 02 vụ liên quan tham nhũng, trong đó: Khởi tố mới 01 vụ, 01 bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Vụ án Nguyễn Thanh Sơn, sinh năm 1967, là cán bộ địa chính xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, từ năm 2010 đến năm 2014, lợi dụng vị trí công tác đã tự ý thu tiền và cấp đất cho 05 hộ dân, chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 112 triệu đồng). Đã kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân truy tố theo quy định của pháp luật. Điều tra bổ sung 01 vụ về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Vụ án Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1979, là cán bộ địa chính xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, từ năm 2009 đến năm 2015 lợi dụng chính sách xét cấp đất ở cho người dân của xã đã lập phiếu thu tiền cấp đất của 31 hộ dân sai quy định). Sau quá trình điều tra, đề nghị truy tố, trong các ngày 08, 09, 10/5/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn mức án 20 tù giam về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm nói chung, tội phạm về tham nhũng nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội với tính chất ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, có sự móc nối, câu kết của đối tượng trong và ngoài cơ quan Nhà nước, trong đó tập trung ở những khâu, bộ phận yếu trong công tác quản lý, nơi dễ bị sơ hở mà tội phạm thường lợi dụng hoạt động; nơi mà cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống sa ngã, tiêu cực, là nhóm nguy cơ cao phạm tội tham nhũng. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, đúng pháp luật với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Để công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, góp phần ngăn chặn, loại bỏ dần điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm về tham nhũng, lực lượng Công an tập trung thực hiện một số công tác đó là:

1. Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về tác hại của tệ nạn tham nhũng và để từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Tham mưu chỉ đạo làm tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, trước hết là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách, thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác tổ chức, cán bộ; quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

2. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Công an tỉnh. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, nâng cao nhận thức, tự giác nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh; khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an tỉnh theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an; quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành và quy định về những điều đảng viên không được làm. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân; nâng cao vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng Công an các cấp trong việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng ngay từ cơ sở, để phát hiện, xử lý cán bộ, chiến sỹ vi phạm quy trình công tác, thiếu trách nhiệm hoặc tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có dấu hiệu của tội phạm về tham nhũng.

3. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về tham nhũng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm về kinh tế và chức vụ. Chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng; đảm bảo các biện pháp bảo vệ an toàn cho người tố cáo, cung cấp tin báo về tội phạm tham nhũng.

4. Tích cực phối hợp chặt chẽ với ngành Thanh tra, Nội chính Tỉnh ủy và các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tiếp nhận các thông tin, phản ánh, đơn thư tố cáo để xem xét kiểm tra, xác minh theo quy định. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xác minh, kết luận tố cáo tham nhũng, bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

5. Tăng cường phối hợp với các cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra, đề nghị xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật đối với các hành vi tham nhũng và những người bao che tội phạm tham nhũng nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Thượng úy, Ths Nguyễn Văn Dũng       

Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Bình