Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an Quảng Bình trong rèn luyện phong cách, phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

593
Đánh giá bài viết

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bác chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, Bác yêu cầu phải nêu gương, trước hết về đạo đức cho tất cả cán bộ, đảng viên. Bởi, “một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” và “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người xác định, nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc…

Trong tình hình hiện nay, việc phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an Quảng Bình đòi hỏi phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ… Đặc biệt, đề cao năng lực tham gia, quyết định và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm lãnh đạo của mình; có bản lĩnh và năng lực điều hành, tập hợp quần chúng, biết sử dụng nhân tài, phối hợp công tác; có khả năng đúc rút kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn; có tác phong dân chủ, phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, sâu sát thực tế; cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an các đơn vị, địa phương phải là ngọn cờ để tập hợp, lôi cuốn tập thể, CBCS. Ngọn cờ ấy phải tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí một mất một còn, để bảo vệ Đảng và đưa phong trào cách mạng đi lên.

Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ ký cam kết thực hiện quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an các đơn vị, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm và quyết tâm chính trị trên cương vị được giao; phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt và quyết tâm cao độ khi tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thời gian qua, nhiều vụ việc tiêu cực, những sai phạm nghiêm trọng diễn ra có nguyên nhân quan trọng từ việc lạm dụng quyền lực của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Việc cấp bách để ngăn chặn tình trạng đó là phải tiếp tục hoàn thiện các quy định, chế tài để giám sát thực hiện quyền lực và xác định rõ thẩm quyền, mối quan hệ của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Đồng thời, trong tổ chức sinh hoạt, hoạt động cần duy trì nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình, thực hiện thực chất việc kê khai tài sản đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Bên cạnh việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy định, chế tài cần quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản hiện hành liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Như: Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; Điều 10, Luật cán bộ công chức quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; Quy định số 101-QÐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 12-QĐ/ĐUCA, ngày 5/4/2016 của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Quảng Bình về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu đơn vị thuộc Công an tỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…

Vì vậy, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phải theo phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho CBCS.

 Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an các đơn vị, địa phương phải nêu gương về trách nhiệm trong công tác, nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Đối với người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị, ngoài nội dung nêu gương theo các mặt trên, thì cần phải có năng lực tham gia, quyết định và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm lãnh đạo của mình; có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực điều hành, tập hợp quần chúng, biết sử dụng nhân tài, phối hợp công tác; có khả năng đúc rút kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn; có phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, sâu sát thực tế; biết lắng nghe, nhạy bén, có năng lực dự báo nắm bắt thời cơ, biết quyết đoán, biết làm, dám chịu trách nhiệm, có năng lực làm công tác tư tưởng và công tác vận động quần chúng.

Đối với cấp ủy các chi, đảng bộ Công an các đơn vị, địa phương phải có trách nhiệm lãnh đạo CBCS, đảng viên ở Công an các đơn vị, địa phương mình nâng cao nhận thức, nắm vững về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của từng Công an đơn vị, địa phương trước hết là của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của CBCS, đảng viên. Tùy theo đặc thù, tình hình, điều kiện của Công an các đơn vị, địa phương, xác định rõ những nội dung đột phá nhằm làm chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đổi mới phong cách, tác phong công tác gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện tiêu cực về tư tưởng và hành động (nói, viết, làm) trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống của CBCS, đảng viên. Lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý; xây dựng mối đoàn kết thống nhất cao, chống trì trệ, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây ảnh hưởng không tốt trong đơn vị, địa phương; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an các đơn vị, địa phương, cấp ủy cơ sở cần phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách cụ thể các lĩnh vực công tác trong đơn vị, địa phương mình; tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát theo quy định; tổ chức thẩm tra xác minh, kết luận kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, không để tồn đọng, kéo dài. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những CBCS, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các hiện tượng biểu hiện quan liêu, thiếu dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ.

Để người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy hoàn thành trách nhiệm chính trị và xứng đáng là ngọn cờ tiên phong, gương mẫu cho CBCS học tập, noi theo, đòi hỏi phải thường xuyên quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện và quản lý toàn diện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương. Phẩm chất và năng lực, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của CBCS Công an các đơn vị, địa phương. Đồng thời phải xử lý mạnh mẽ, kịp thời, liên quan đến trách nhiệm và các vi phạm của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị nào; khắc phục tình trạng xử lý “nhẹ trên, nặng dưới”; phải kết hợp cả nhiệm vụ “xây” và “chống”, như quan điểm nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “Xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”.

Đại tá Nguyễn Quốc Tường        

Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình