Xây dựng người cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ theo tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh

151
Đánh giá bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là bản hùng ca bất diệt về chủ nghĩa yêu nước, về tinh thần tận tụy, đức hy sinh phấn đấu quên mình với mong muốn cháy bỏng là làm cho đất nước hoàn toàn độc lập, dân tộc hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người đã để lại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và các lực lượng Công an nhân dân di sản vô cùng quý giá, đó là hệ thống quan điểm, tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh.

                   Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia lao động sản xuất

Trong tình hình hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động, sinh hoạt, công tác, chiến đấu đã trở thành niềm tin, lẽ sống của cả dân tộc Việt Nam nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã có nhiều cuộc vận động, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, như: “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”; cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”… Trong đó, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” là một chủ trương hết sức đúng đắn và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong tình hình hiện nay, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Học tập, vận dụng tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh là học tập ở Bác đạo đức cách mạng, phương pháp cách mạng đặc biệt hiệu quả, các phong cách mang tính cách mạng và khoa học, các phương châm xử thế linh hoạt, đã trở thành nghệ thuật trong việc lựa chọn những vấn đề cần tập trung giải quyết, những công việc cần làm và cách thức thực hiện để đạt được mục tiêu đặt ra một cách hiệu quả. Nghiên cứu vận dụng phương pháp Hồ Chí Minh không thể tách rời tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh; càng không thể tách rời đạo đức, lối sống và nhân cách Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, trong nước dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tội phạm và tệ nạ xã hội sẽ hoạt động manh động, tinh vi, liều lĩnh, quyết liệt hơn… Tình hình đó đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an Quảng Bình bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, mỗi CBCS Công an tỉnh cần nêu cao tinh thần học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh những việc sau:

1. Về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hồ Chí Minh dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức tính: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.

Mỗi CBCS Công an Quảng Bình trong việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh cần phải học những tiêu chuẩn của đạo đức đó là: Trung với nước, hiếu với dân. Đây là phẩm chất bao trùm nhất và quan trọng nhất đối với lực lượng Công an nhân dân. Với Công an nhân dân, Người dạy: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”. Có lòng yêu thương con người. Đây là phẩm chất cao cả và cao đẹp nhất, xuất phát từ truyền thống của dân tộc Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Người dạy Công an nhân dân: “Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ”, “ Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải có tinh thần quốc tế chân chính, trong sáng. Người dạy: “Quan san muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức cách mạng là cái “gốc”, là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng. Bản thân Bác là một tấm gương sáng ngời và mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng. Đồng thời, Người luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963)

Trong xây dựng đạo đức cách mạng người Công an nhân dân, mỗi CBCS phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, trọn đời trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; dũng cảm, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh. Công an nhân dân là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phục vụ lý tưởng của Đảng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, bất luận trong hoàn cảnh nào, người Công an nhân dân cũng phải nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Đó là bản lĩnh chính trị của người Công an nhân dân: “Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”; “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

2. Học tập tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, gắn liền tình thương yêu dân tộc với tình thương yêu giai cấp và nhân loại bị áp bức, bóc lột. Tính nhân văn Hồ Chí Minh vừa mang tính dân tộc, tính giai cấp, vừa mang tính thời đại. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh gắn liền với tình cảm, lý tưởng, hành động cách mạng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Vì vậy, nó mang tính thực tiễn sâu sắc, tính thời đại rộng lớn.

Trong “Xây dựng phong cách người Công an Quảng Bình bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, phải thực hiện các nội dung sau: Có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nguyện suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ chủ nghĩa xã hội và nhân dân, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các phương châm, nguyên tắc, chủ trương, giải pháp, đối sách của ngành Công an; vận dụng có hiệu quả trong cuộc “đấu trí, đấu lực, đấu pháp” với các thế lực thù địch, bọn phản động, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, được dân tin tưởng, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ tận tình; có năng lực vận động và tổ chức quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không ngừng xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở cơ sở vững mạnh. Có phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực công tác, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, luôn suy nghĩ, tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong công tác, chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nêu cao tình yêu thương, quý trọng, quan tâm, bao dung, độ lượng đối với con người và niềm tin vững chắc vào sức mạnh của con người, tạo mọi điều kiện để con người phát triển toàn diện, phát huy mọi năng lực sáng tạo của mình.

3. Trong “Xây dựng phong cách người Công an Quảng Bình bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” cần phải quán triệt và dựa vào các nguyên tắc, phương pháp xây dựng và giáo dục đạo đức của Bác, đó là: “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”, “nói đi đôi với làm”, “xây đi đôi với chống”; “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”. Phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, khắc phục tính hình thức, đơn điệu, tránh áp đặt theo kiểu mệnh lệnh, hành chính, thiên về lý trí mà ít quan tâm đến những tác động về mặt tình cảm; bồi dưỡng tâm hồn, làm phong phú và sâu sắc thêm tinh thần, tình cảm của người được giáo dục. Coi trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức cách mạng cho CBCS Công an Quảng Bình trong môi trường xã hội, trong thực tiễn công tác, chiến đấu. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giáo dục trong thực tiễn nhằm xây dựng được bản lĩnh cách mạng kiên cường của người Công an Quảng Bình “trung với nước, hiếu với dân” và những phẩm chất “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm” như Người đã dạy.

4. Thường xuyên học tập, vận dụng sáng tạo, khoa học phong cách Hồ Chí Minh; như phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc, phong cách sinh hoạt và phong cách ứng xử. Hồ Chí Minh luôn tìm hiểu quy luật vận động của sự vật để có cách hành động phù hợp; gắn lý luận với thực tiễn. Trong phong cách lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mẫu mực về phong cách làm việc sâu sắc, đổi mới; lời nói phải đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn. Người luôn tuân thủ nguyên tắc dân chủ, tập trung; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trong sinh hoạt, phong cách Hồ Chí Minh là giản dị, gần gũi, thân tình với mọi người và luôn lạc quan, vui vẻ. Người luôn có phong cách giao tiếp, ứng xử rất văn hóa, văn minh. Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một con người vĩ đại nhưng gần gũi. Phong cách của Người luôn là tấm gương sáng để lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an Quảng Bình nói riêng học tập, noi theo.

Học tập, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy và thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong việc học tập thấm nhuần tư tưởng, noi theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải học tập, thực hành văn hóa giao tiếp, ứng xử Hồ Chí Minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, góp phần xây dựng hình ảnh người Công an Quảng Bình đẹp về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm giá với đầy đủ các đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”.

Năm 2018 Bộ Công an xác định là năm công tác cán bộ. Vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an Quảng Bình bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” là yếu tố quyết định, là yêu cấp thiết nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Trong đó, xây dựng người chiến sĩ Công an về đạo đức cách mạng, tài năng, sáng tạo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để hoàn thiện cả đức lẫn tài là yêu cầu vừa cấp thiết vừa lâu dài đáp ứng lòng mong mỏi của Bác.

Thượng tá, TS Hoàng Giang Nam    

Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị